Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn

Cùng với xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như phòng ngừa các rủi ro địa chính trị, điều gì đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của các tập đoàn công nghệ lớn gần đây?

Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, điểm thứ ba mà Nvidia đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI. Ảnh: blogs.nvidia

Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, điểm thứ ba mà Nvidia đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI. Ảnh: blogs.nvidia

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm hạn chế rủi ro

Sự kiện Tập đoàn Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, mới đây quyết định hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, đã trở thành tâm điểm thời sự trong những ngày đầu tháng 12-2024. Việt Nam là địa điểm thứ ba mà Nvidia đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI, sau Mỹ - nơi Nvidia đặt trụ sở và Đài Loan - quê hương của Chủ tịch Nvidia là ông Jensen Huang.

Vào đầu tháng 11-2024, một số phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện cho thiết bị Internet vệ tinh Starlink chuyển dịch sản xuất từ Đài Loan sang Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9-2024, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX - tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, cũng do Elon Musk sáng lập, cho biết tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nhận định của giới phân tích, sau nhiều thập niên tập trung sản xuất tại Trung Quốc đại lục và Đài Loan, các nhà lắp ráp điện tử lớn như Foxconn, Quanta, Wistron, TSMC hay United Microelectronics Corporation (UMC) đang dần mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, Nhật Bản, và thậm chí là châu Âu. Một trong những động lực thúc đẩy sự dịch chuyển này, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những năm qua và các lệnh cấm mạnh tay với các hãng công nghệ Trung Quốc, rủi ro địa chính trị đang là mối lo ngại của các tập đoàn này.

Với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khả năng thích nghi với các đổi mới công nghệ, Việt Nam vừa là một thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ, vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn kéo dài, căng thẳng Israel - Iran có thể leo thang và lan rộng ra khu vực, chiến sự ở Syria đang bùng phát trở lại, eo biển Đài Loan có thể là một điểm nóng tiềm ẩn kế tiếp trong giai đoạn tới. Wistron NeWeb Corporation (WNC) - công ty Đài Loan cung cấp thiết bị mạng cho Starlink, mà gần đây đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, cũng thừa nhận rằng: “Do rủi ro địa chính trị và yêu cầu thay đổi liên tục từ khách hàng, chúng tôi tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu”.

Trước tình hình này, Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Trước Nvidia, nhiều hãng công nghệ lớn tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam, không chỉ vào các nhà máy sản xuất mà còn ở mảng R&D, khi Việt Nam những năm gần đây thay đổi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung vào phân khúc có chuỗi giá trị cao hơn.

Có thể kể đến như Tập đoàn Samsung hồi cuối năm 2022 đã khai trương trung tâm R&D mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Infineon Technologies - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức, thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam vào tháng 5-2023, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số. Ngoài ra còn có Bosch Việt Nam, các tập đoàn công nghệ như LG, Panasonic hay Renesas Electronics - nhà sản xuất bán dẫn Nhật Bản, đều đã có trung tâm R&D tại Việt Nam.

Lợi thế của Việt Nam

Đầu tiên phải nói đến vị trí địa lý chiến lược rất quan trọng của Việt Nam, khi nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á - thuận lợi cho việc kết nối và mở rộng thị trường trong khu vực, cũng như gần gũi với các nền kinh tế lớn ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Điều này giúp các tập đoàn công nghệ dễ dàng tiếp cận và phân phối sản phẩm, dịch vụ đến các quốc gia lân cận. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có các điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường biển và đường thủy, với đường bờ biển dài và nhiều cảng nước sâu thuận tiện cho tàu bè qua lại và các hoạt động logistics.

Về mặt ngoại giao, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế nói chung và khu vực nói riêng. Việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với một loạt nền kinh tế lớn trong những năm qua, cũng như tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn công nghệ phát triển thị trường quốc tế. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế của 60 nước, trong đó có 15/20 nước thuộc khối G20, đồng thời tránh được rủi ro chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Trong nước, Việt Nam duy trì môi trường chính trị ổn định, cùng với tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm qua đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư dài hạn. Đặc biệt, trong năm năm gần đây, Việt Nam đã thu hút đáng kể các dự án FDI vào lĩnh vực công nghệ cao nhờ vào hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đất đai và cơ sở hạ tầng.

Trong đó, các dự án đầu tư trong ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, vì thu hút đầu tư, khả năng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn là một trong ba đột phá mà nghị quyết của Đảng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội lần thứ XIII. Từ đó, Việt Nam cũng tập trung phát triển hạ tầng công nghệ và các khu công nghệ cao, như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và đặc biệt là Khu công nghệ cao TPHCM, cung cấp môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ hoạt động và phát triển, tạo nên hệ sinh thái công nghệ sôi động.

Ngoài ra, với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khả năng thích nghi với các đổi mới công nghệ, Việt Nam vừa là một thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ, vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao. Chính phủ cũng đang triển khai các chương trình đào tạo nhằm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030. Đặc biệt, đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài, văn hóa bản địa của Việt Nam cũng có sự linh hoạt và có tính hòa nhập dễ dàng hơn.

Cuối cùng, các lĩnh vực công nghệ như ngành công nghiệp bán dẫn, vốn yêu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ cao hoạt động ở mức năng lượng cao, dẫn đến mức tiêu thụ điện năng lớn. Ngoài ra, việc duy trì môi trường sản xuất sạch và kiểm soát nhiệt độ trong các phòng sạch cũng đòi hỏi lượng năng lượng đáng kể. Các hệ thống thông gió, lọc không khí và điều hòa nhiệt độ phải hoạt động liên tục để đảm bảo chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thêm mức tiêu thụ năng lượng.

Trong khi đó, để giảm thiểu tác động môi trường và chi phí năng lượng, nhiều công ty trong ngành đang hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng trong quy trình sản xuất, không chỉ nhằm giảm chi phí mà còn đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững. Việt Nam gần đây cũng đã có những cam kết cụ thể về phát triển bền vững và công nghệ xanh, với nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, nên cũng đang ngày càng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe này.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-truoc-lan-song-chuyen-dich-cua-cac-tap-doan-cong-nghe-lon/