Việt Nam trước 'suối nguồn' tài chính xanh toàn cầu, cần khai thông những gì?

Tài chính xanh được coi là 'nguồn nước' nuôi dưỡng hành trình chuyển đổi, song một số nước đang phát triển như Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội, các lãnh đạo quốc tế cùng đại diện Chính phủ Việt Nam đã cùng nhau thảo luận chiến lược huy động vốn và đổi mới tài chính cho tăng trưởng xanh.

Tài chính xanh – trụ cột quan trọng để thực hiện Net Zero

Phát biểu tại phiên thảo luận về “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược.

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam không những chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu mà còn đối mặt với các yêu cầu chuyển đổi từ chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt khi các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang siết chặt tiêu chuẩn carbon.

Chính phủ Việt Nam đã sớm thể hiện cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển bền vững. Đáng chú ý là cam kết tại COP26 về việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Đây là mục tiêu đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, với những thay đổi căn bản trong mô hình phát triển, đầu tư và tiêu dùng.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, tài chính xanh là yếu tố then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu trong việc xây dựng thể chế và phát triển thị trường tài chính xanh.

Dư nợ tín dụng xanh đã tăng trưởng mạnh mẽ từ 71.000 tỷ đồng năm 2015 lên khoảng 564.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tương đương gần 4,4% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Tuy vậy, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu vốn rất lớn cho tăng trưởng xanh, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Việc phát triển tài chính xanh không thể chỉ dựa vào một kênh duy nhất. Do đó, cần thúc đẩy đồng thời nhiều giải pháp như xây dựng khung pháp lý về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, thúc đẩy minh bạch hóa thông tin, triển khai các tiêu chuẩn báo cáo ESG, và tăng cường năng lực giám sát để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch của các dòng vốn xanh.

Vai trò của khu vực tư nhân và các định chế tài chính

Một điểm quan trọng được nhấn mạnh tại hội nghị là vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong quá trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh.

Không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc hỗ trợ từ quốc tế, Việt Nam cần tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án xanh. Điều này bao gồm cả chính sách thuế, tín dụng ưu đãi và giảm thiểu rủi ro thể chế cho các khoản đầu tư dài hạn.

Các định chế tài chính lớn cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hạt nhân trong đổi mới sáng tạo tài chính.

Các tổ chức này không chỉ là đơn vị trung gian huy động và phân bổ vốn, mà còn cần đi đầu trong việc thiết kế các sản phẩm tài chính mới, như tín dụng xanh, quỹ đầu tư xanh, và bảo hiểm rủi ro khí hậu, qua đó thúc đẩy sự tham gia của toàn hệ thống vào tiến trình chuyển đổi.

Thực tế cho thấy nguồn lực trong nước là cần thiết nhưng không đủ. Việc huy động nguồn lực quốc tế, đặc biệt từ các tổ chức phát triển đa phương và nhà đầu tư có tiêu chí ESG, sẽ quyết định tốc độ và quy mô của các sáng kiến xanh.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, bảo đảm minh bạch thông tin dự án, và đồng thời nâng cao năng lực thể chế trong thẩm định, giám sát và điều phối dòng vốn đầu tư xanh.

Một giải pháp tiềm năng là phát triển các mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực môi trường và hạ tầng bền vững. Nếu được thiết kế hợp lý, PPP có thể giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn nguồn lực tài chính và chuyên môn kỹ thuật từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách và rủi ro đầu tư.

Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Sang-Hyup Kim, Tổng giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), một đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính xanh.

Thủ tướng ghi nhận vai trò của GGGI trong hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn vốn xanh, đồng thời hoan nghênh kế hoạch nâng tổng vốn huy động cho Việt Nam lên mức 1 tỷ USD vào năm 2028.

Ông Sang-Hyup Kim cho biết GGGI đã phối hợp với các đối tác để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận hơn 300 triệu USD vốn đầu tư xanh cho đến nay.

Mục tiêu 1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi nếu các dự án được thiết kế bài bản, minh bạch và có tác động thực chất đến quá trình giảm phát thải, tạo sinh kế bền vững và nâng cao năng lực thích ứng khí hậu. Ông khẳng định Việt Nam là quốc gia ưu tiên của GGGI không chỉ vì vai trò là thành viên sáng lập mà còn bởi tinh thần chủ động và cam kết chính trị mạnh mẽ.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), phát biểu tại phiên thảo luận P4G rằng tài chính xanh là “nguồn nước” nuôi dưỡng hành trình chuyển đổi, phương thức quan trọng các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, theo bà, vẫn còn nhiều nước đang phát triển như Việt Nam gặp khó trong việc tiếp cận dòng vốn này do rào cản thể chế, chi phí vốn cao và thiếu hệ thống đo lường hiệu quả đầu tư xanh.

Trong bối cảnh như vậy, bà Rebeca Grynspan cho rằng, P4G chính là cơ hội mang tính lịch sử để có thể thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu cấp vốn tài chính, thêm đầu tư cho khu vực tư nhân.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/viet-nam-truoc-suoi-nguon-tai-chinh-xanh-toan-cau-can-khai-thong-nhung-gi-d39767.html