Việt Nam trước thời điểm phát triển công nghệ vũ trụ
Công nghệ vũ trụ đã được ứng dụng nhiều trong đời sống, nếu được phát triển có thể đem lại hiệu quả to lớn cho kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng…

Quang cảnh tọa đàm do Báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: T.P
Sáng nay, 24-7, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận về cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia có sự tham gia mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: T.P
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, không gian vũ trụ phải được xác định là một trong 5 không gian chiến lược của Việt Nam, cùng với không gian đất, biển, trời, không gian mạng.

Ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: P.T
Nhấn mạnh vai trò của công nghệ vũ trụ, ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, công nghệ vũ trụ đã được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống thiên tai.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm của ngành công nghệ vũ trụ rất lớn, bao gồm các lĩnh vực viễn thông, viễn thám và định vị dẫn đường. Công nghệ vũ trụ đã thẩm thấu vào nhiều khía cạnh của đời sống…
Để ngành công nghệ vũ trụ phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị tự lực công nghệ, làm chủ không gian vũ trụ thiết yếu. Việt Nam cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ…

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: T.P
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), sở trường của Việt Nam vẫn là con người. Bên cạnh nguồn lực, nguồn vốn mà Nhà nước sẵn sàng chi cho công trình nghiên cứu khoa học, cần trao sự tự do cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.
“Tôi cho rằng thách thức lớn đối với Việt Nam là vấn đề quản lý. Nếu có môi trường thông thoáng, chúng ta sẽ thu hút được người tài, trong đó có nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài…”, ông Hiền nêu.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Ảnh: T.P
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, trong thế kỷ XXI, công nghệ vũ trụ không còn là lĩnh vực giới hạn trong các chương trình khám phá không gian của một số ít quốc gia.
Thay vào đó, ngành công nghệ này đã trở thành một trụ cột chiến lược của nhiều nền kinh tế hiện đại, với các ứng dụng thiết thực trong đời sống, như dự báo thời tiết, phòng, chống thiên tai, viễn thông, nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, logistics, cũng như trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Theo báo cáo mới nhất của Space Foundation, kinh tế vũ trụ toàn cầu năm 2024 đã đạt gần 613 tỷ USD và được dự báo sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030, cho thấy tiềm năng to lớn.
Tại Việt Nam, mặc dù công nghệ vũ trụ còn ở giai đoạn đầu phát triển nhưng đã có những bước đi quan trọng.

Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng. Ảnh: T.P
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, công nghệ vũ trụ là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển để phục vụ chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.