Việt Nam tự hào đã sớm gắn bó với đối ngoại đa phương

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định những điểm nổi bật về phương hướng đối ngoại. Đây là những bước tiến rất quan trọng khi tư duy về đối ngoại song phương và đối ngoại đa phương có những bước phát triển mới.

Đại sứ Phạm Ngạc (ngoài cùng bên trái) tại một trong những hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam ở Liên hợp quốc tháng 7/1975. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Phạm Ngạc (ngoài cùng bên trái) tại một trong những hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam ở Liên hợp quốc tháng 7/1975. (Ảnh: NVCC)

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ, đối ngoại đa phương cần “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế” và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.

Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn từ Đại hội XII và Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Điều này phù hợp thế và lực mới của đất nước cũng như những đòi hỏi thực tiễn mới đối với công tác đối ngoại.

Nhân dịp này, tôi có một vài suy ngẫm, hồi tưởng về những thuở ban đầu của Việt Nam với đối ngoại đa phương.

Ngoại giao Hồ Chí Minh

Con người ngày càng sống văn minh, nhân đạo và càng cần cùng nhau để ngăn chặn chiến tranh thế giới lần thứ 3 vì kho vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, quan hệ quốc tế vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng ngoại giao đa phương.

Việt Nam may mắn đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xây dựng mối quan hệ quốc tế rộng rãi trong thời gian ở Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô (cũ) và Trung Quốc trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện “Ngoại giao Câu Tiễn” để trục xuất toàn bộ quân Tưởng và thương lượng với chính phủ Pháp, bảo vệ nền độc lập của Việt Nam.

Nhưng trái với trào lưu các nước phương Tây lần lượt trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, thực dân Pháp lại bác bỏ những thỏa thuận với Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa quân sang với mục đích chiếm lại Việt Nam.

Chỉ sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, chính phủ Pháp mới chịu ký Hiệp định Geneva đình chiến và quy định 2 năm sau Tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam.

Thế nhưng trong chiến tranh Lạnh, Mỹ lại thay thế Pháp leo thang chiến tranh ở Việt Nam, tuy nhiên cũng thất bại và phải chấp nhận Hiệp định Paris công nhận nước Việt Nam thống nhất.

Đóng góp cho chuẩn mực quốc tế lành mạnh

Đầu năm 1973, khi hoàn thành văn bản Hiệp định Paris về Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khi ấy nói với tôi: “Sau đây, cậu chuyển sang làm về các Tổ chức quốc tế”.

Năm 1974 và năm 1975, tôi theo ông Thạch tham gia các hội nghị quốc tế ở Geneva.

Tháng 7/1975, tôi sang New York giúp lập cơ quan đại diện của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) và gắn chặt với ngoại giao đa phương từ đó tới năm 1991.

Khó khăn chủ quan thời điểm đó là cán bộ ngoại giao ta chỉ thạo tiếng Pháp và chưa quen hoạt động đa phương.

Tôi “đứng mũi chịu sào”, chiêu mộ cán bộ trẻ có năng lực tiếng Anh đào tạo về các vấn đề đa phương như giải trừ quân bị, nhân quyền, diễn đàn LHQ, Phong trào Không liên kết... Những cán bộ đó đều nhanh chóng trưởng thành và đảm đương trọng trách trong ngành Ngoại giao Việt Nam.

Về khách quan, khó khăn khi đó của ta là chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến triển khai ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Mỹ phủ quyết đơn xin gia nhập LHQ của Việt Nam, sau đó cùng Trung Quốc bao vây, cấm vận ta vì vấn đề Campuchia.

Việt Nam tự hào đã sớm gắn bó với ngoại giao đa phương, gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã gửi tới Hội Quốc liên (tiền thân của Liên hợp quốc) họp ở Fontainebleau “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đòi quyền tự quyết dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trích Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1789 và mục tiêu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc như chủ thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên (Trung Quốc).

Năm 1946, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới Khóa Đại hội đồng đầu tiên của Liên hợp quốc họp ở London (Anh) để xin gia nhập tổ chức quốc tế này.

Do Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Mỹ thay Pháp kéo dài cuộc chiến tranh, năm 1975, Việt Nam được thống nhất.

Nhưng sau đó Mỹ lại phủ quyết Việt Nam gia nhập LHQ, do vậy, tới năm 1977, Việt Nam mới được kết nạp vào LHQ làm thành viên thứ 149.

Phát huy ngoại giao Hồ Chí Minh tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã phát triển quan hệ hữu nghị song phương và tích cực đóng góp cải thiện quan hệ quốc tế.

Tôi đã được tham gia rất nhiều các hoạt động tại LHQ và Phong trào Không liên kết, chống bao vây cấm vận, vận động các nước cùng với Việt Nam cải thiện quan hệ quốc tế lành mạnh.

Có thể khẳng định, ngoại giao Hồ Chí Minh đã đóng góp cho chuẩn mực quốc tế lành mạnh, ngay cả với các cường quốc cựu thù.

*Tác giả là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-tu-hao-da-som-gan-bo-voi-doi-ngoai-da-phuong-159166.html