Việt Nam ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Việt Nam luôn ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và phấn đấu trở thành đối tác tin cậy trong giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình, hòa giải, trọng tài.

Thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế hiện đại

Nhân 125 năm Ngày thành lập Tòa Trọng tài thường trực (PCA), lễ kỷ niệm đã được tổ chức tại thành phố La Hay, Hà Lan. Sự kiện cũng là hội nghị toàn thể lần thứ 3 của PCA trong lịch sử 125 năm hoạt động và là lần đầu tiên trong vòng 25 năm trở lại đây. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự.

Lễ khai trương Văn phòng đại diện Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Nội

Lễ khai trương Văn phòng đại diện Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Nội

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) là một tổ chức quốc tế liên chính phủ có trụ sở tại La Hay, Hà Lan. PCA được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907. Các thành viên của PCA lập một danh sách các trọng tài viên, người mà các bên tham gia tranh chấp có thể nhưng không bắt buộc, chỉ định trong thủ tục tố tụng trọng tài tại PCA. Trọng tài viên được đề cử phải là những cá nhân có chuyên môn sâu về luật quốc tế, có kinh nghiệm, uy tín và luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của một trọng tài viên. Được biết, PCA quản lý danh sách khoảng hơn 300 trọng tài viên đến từ hơn 90 quốc gia. Mỗi quốc gia thành viên của PCA có thể chỉ định tối đa 4 trọng tài viên với nhiệm kỳ 6 năm.

Là cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, PCA tạo ra cơ chế để các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này hình thành từ lâu, đặc biệt từ năm 1945 khi Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) ra đời. Nguyên tắc được ghi nhận trong Điều 2(3) và Điều 33, cũng như trong Điều 1(1) về mục đích, tôn chỉ hoạt động của LHQ. Nguyên tắc cơ bản này cũng được nhắc tới trong các điều ước quốc tế thành lập các tổ chức khu vực quan trọng như ASEAN, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu. Đặc biệt, Điều 33 của Hiến chương LHQ đã liệt kê rất rõ những biện pháp cụ thể để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài và các biện pháp hòa bình khác. Trên cơ sở đó, các quốc gia có quyền tự do lựa chọn biện pháp mà họ thấy thích hợp. Đi cùng với nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp là nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực.

Tạo ra cơ chế để các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, PCA đã phát triển trở thành một thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế hiện đại. Từ khi thành lập đến nay, PCA đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển của pháp luật quốc tế. Với khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, PCA đã giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau của các quốc gia thành viên, như: Tranh chấp vùng biển ở quần đảo Chagos giữa Mauritius với Anh; Tranh chấp cổ đông Yukos với Liên bang Nga, Tranh chấp biên giới trên vịnh Bengal giữa Bangladesh với Ấn Độ; Vụ sắt Rhine giữa Bỉ với Hà Lan…

Đối tác tin cậy trong giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Việt Nam chính thức tham gia Công ước La Hay 1899 từ 29-11-2011 và Công ước La Hay 1907 từ ngày 27-2-2012. Từ khi trở thành thành viên của PCA năm 2012, quan hệ giữa Việt Nam và PCA đã có nhiều bước phát triển, trong đó cột mốc đáng chú ý nhất là sự kiện PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội ngày 24-11-2022. Đây là văn phòng thứ 5 của PCA được thành lập ngoài trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình ở Hà Lan. Các văn phòng khác đã được mở tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore và Vienna (Áo). Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội có chức năng quản lý hành chính, cung cấp địa điểm xét xử, phòng họp miễn phí cho các vụ việc quốc tế do PCA làm cơ quan hành chính.

Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của PCA là cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế, đóng góp hiệu quả, tích cực vào giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và giữa quốc gia với các tổ chức, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chính phủ Việt Nam coi trọng mối quan hệ đối tác với PCA, coi đây là một cấu phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, với hệ thống tư pháp vững mạnh, đội ngũ chuyên gia pháp lý trình độ cao, cung cấp các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp và chuẩn mực, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. Trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương giải quyết tranh chấp, bất đồng, đặc biệt là trên Biển Đông, thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Quan điểm này được Việt Nam nhiều lần tuyên bố và kiên trì triển khai trên thực tế trước những diễn biến phức tạp và biến động nhanh chóng của tình hình trên Biển Đông.

Đi vào thực tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy đàm phán và giải quyết, phân định biển theo luật pháp quốc tế. Quan điểm của Việt Nam là khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi UNCLOS, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp,

Đối với những tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là với Trung Quốc, Việt Nam luôn nêu cao và tuân thủ nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp. Với nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký được Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Theo đó, hai nước trong quá trình đàm phán thống nhất “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC, “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”.

Trong các tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp tiếp tục được nhắc lại, như trong Tuyên bố chung về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc (tháng 6-2013), Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam (tháng 10-2013), Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 4-2015)…

Liên quan đến PCA, Việt Nam hướng tới trở thành địa chỉ được các đối tác lựa chọn để giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình, hòa giải, trọng tài. Văn phòng đại diện Hà Nội sẽ đưa PCA đến gần hơn với các quốc gia trong khu vực; tạo điều kiện cho các nước và các tổ chức, cá nhân tiếp cận dịch vụ giải quyết tranh chấp của PCA trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng. Sự ủng hộ và hỗ trợ của Việt Nam đảm bảo văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội hoạt động hiệu quả, thuận lợi cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-ung-ho-co-che-giai-quyet-tranh-chap-bang-bien-phap-hoa-binh-post579747.antd