Việt Nam ưu tiên đảm bảo an sinh, trao quyền phụ nữ phòng ngừa bạo lực giới
Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên, khủng hoảng kinh tế... đang làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của các hộ gia đình và dẫn tới nguy cơ gia tăng bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới nói chung và tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ đã đem lại nhiều thay đổi tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, những khó khăn do đại dịch, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế... cũng sẽ tạo ra những thách thức đòi hỏi cần có các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới
Trong những năm vừa qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội ngày càng đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đăng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình về bình đẳng giới.
Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ cho nạn nhân, đảm bảo quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được thực hiện tương đối nghiêm túc.
Công tác truyền thông về bình đẳng giới được tăng cường với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.
Chia sẻ về kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, có 9/20 chỉ tiêu đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đề ra đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn; có 7/20 chỉ tiêu thuộc Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đạt kết quả tiến bộ hơn so với năm 2021 và tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là hơn 97%, vượt chỉ tiêu đề ra (đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030); duy trì và đạt tỷ lệ 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Về tuyên truyền, 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương đã có chuyên mục, chuyên trang về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được phát sóng định kỳ, đạt chỉ tiêu đề ra tới năm 2025.
Tăng cường trao quyền cho phụ nữ
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới nói chung và tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Trong đó, chỉ số về lĩnh vực chính trị, kinh tế có sự cải thiện đáng kể, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách giới, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả nêu trên thì vẫn còn những thách thức trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định trước những khó khăn về kinh tế, tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo... và phụ nữ, trẻ em vẫn là đối tượng chịu nhiều tác động nhất.
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại khá phổ biến, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, tinh thần và kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội...
Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới phải là người trụ cột trong gia đình và ngoài xã hội, phụ nữ chỉ lo công việc chăm sóc gia đình, tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới đã và đang tồn tại như là một thách thức, trở ngại lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới ở Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: "Chúng ta đều biết rằng đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên, chiến tranh, xung đột đều làm gia tăng bạo lực giới và làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của các hộ gia đình. Để giảm thiểu tác động của những mối đe dọa này, việc đầu tư vào việc phòng ngừa là cực kỳ cần thiết. Đầu tư vào phòng ngừa không chỉ giúp ích cho phụ nữ, trẻ em, gia đình mà còn giúp cho nền kinh tế quốc gia khỏe mạnh và bền vững hơn."
Trong bối cảnh đó, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 đã lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.” Chủ đề này khẳng định ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu về bình đẳng giới.
Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”./.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/11-15/12, thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Màu cam được chọn là màu của Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực giới vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.