Việt Nam ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình
Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế.
Từ ngày 7-9/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức Hội nghị cấp cao quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo cấp cao của các cơ quan LHQ và đại diện các quốc gia, đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế, các nữ doanh nhân, chuyên gia, học giả quốc tế. Nhiều lãnh đạo của các nước cũng gửi thông điệp ghi hình tới Hội nghị.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong bối cảnh năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Chủ tịch ASEAN và thế giới kỷ niệm nhiều dấu mốc như 75 năm thành lập LHQ, 20 năm HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1325, chính thức đưa vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (PNHBAN) vào chương trình nghị sự của HĐBA; 25 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh và 5 năm ban hành Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhận định bên cạnh những thành tựu đạt được, những thách thức như chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh và bạo lực vẫn tiếp tục đe dọa sinh mạng và phẩm giá của phụ nữ, ngăn cản phụ nữ tiếp cận các tiến bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, đại dịch Covid-19 cũng đang đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong thực hiện SDGs, tước đi những nguồn lực dành cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn cầu.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như LHQ và ASEAN.
Phó Thủ tướng mong muốn, thông qua Hội nghị lần này, cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết, đề ra các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, sự tham gia thiết thực của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình.
Phát biểu dẫn đề tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tăng cường và thống nhất nhận thức trong xã hội và ở mọi cấp độ về vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và tái thiết hậu xung đột; phụ nữ cần được đặt ở vị trí quan trọng trong các chính sách, chiến lược, sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về an ninh và phát triển, bao gồm cả các nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cộng đồng quốc tế cần duy trì quyết tâm chính trị và cụ thể hóa các cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về PNHBAN, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện SDGs, trong tiến trình đó, các nước đang phát triển cần được quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, công nghệ, tiếp cận thị trường để tiến kịp với thời đại. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát huy vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tin tưởng rằng Hội nghị sẽ là cơ hội để đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình nơi người phụ nữ có thể làm chủ vận mệnh của mình.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, Phó Tổng thư ký LHQ và Giám đốc điều hành của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ (UNWomen), bà Phumzile Mlambo-Ngcuka đánh giá cao Việt Nam, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2008-2009 đã đề xuất và thúc đẩy Nghị quyết 1889 của HĐBA về phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết, đây không chỉ là Nghị quyết đầu tiên của HĐBA về vấn đề này mà còn là Nghị quyết đầu tiên yêu cầu Tổng thư ký LHQ xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình PNHBAN và yêu cầu LHQ huy động các nguồn lực cần thiết cho thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn hậu xung đột; cảm ơn Việt Nam đã có sáng kiến, nỗ lực tích cực nhằm tiếp tục thúc đẩy vấn đề PHHBAN thông qua việc tổ chức Hội nghị này.
Hội nghị “Tăng cường Vai trò của Phụ nữ trong Xây dựng và Củng cố Hòa bình: Từ Cam kết tới Kết quả” diễn ra trong 3 ngày (từ 7-9/12), bao gồm 5 phiên họp toàn thể và 4 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và đảm bảo yếu tố giới trong việc xây dựng và củng cố hòa bình.
Bên lề Hội nghị, Việt Nam cũng tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên đất Việt” và triển lãm tranh về chủ đề “Phụ nữ và khát vọng hòa bình”.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua bằng đồng thuận Cam kết Hành động Hà Nội do Việt Nam xây dựng, bao gồm những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và kiến tạo hòa bình, tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, cung cấp tài chính và lồng ghép chương trình nghị sự PNHBAN vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ và ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên.
Vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình được LHQ coi trọng ngay từ những ngày đầu thành lập, thể hiện qua việc thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ của LHQ vào năm 1946. Nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới tiếp tục được củng cố với việc thông qua Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), Tuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (1982) và tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Bắc Kinh (1995). Năm 2000, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1325, đưa vấn đề PNHBAN vào chương trình nghị sự của HĐBA, lần đầu tiên ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nhìn nhận vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ và trẻ em trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữa hòa bình. Là quốc gia từng trải qua chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột và có nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đề cao quyền phụ nữ, Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề PNHBAN trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương. Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở về PNHBAN, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết 1889 của HĐBA về phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Đây là Nghị quyết đầu tiên của HĐBA tập trung vào nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột, yêu cầu Tổng thư ký LHQ xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình PNHBAN và kêu gọi Tổng thư ký có báo cáo về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Hiện nay, vấn đề PNHBAN tiếp tục là một trong các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.