Việt Nam và Ai Cập trao đổi kinh nghiệm thu hút Tài chính Xanh
Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho rằng để thực hiện và hoàn thành các cam kết của mình, điều quan trọng là Việt Nam và Ai Cập cần tận dụng ngoại giao khí hậu để thu hút các nguồn Tài chính Xanh.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1963-2023), ngày 31/10 tại thủ đô Cairo, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng trưởng Xanh và Ngoại giao Khí hậu trong bối cảnh Phục hồi Kinh tế: Trao đổi kinh nghiệm trong thu hút Tài chính Xanh giữa Ai Cập và Việt Nam."
Sự kiện diễn ra dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của Đại sứ Rao'f Saad, Cố vấn Bộ trưởng Môi trường Ai Cập phụ trách các hiệp định đa phương; ông Seif elDin Mustafa, Trưởng Ban Tài chính và Đầu tư Trực tiếp thuộc Cơ quan Quản lý Khu Kinh tế Kênh đào Suez (SCZone); Giáo sư-Tiến sỹ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam-châu Phi; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, giảng viện Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Trương Hoàng Diệp Hương, giảng viên Học viện Ngân hàng Việt Nam, cùng một số diễn giả đến từ các bộ, ngành của Ai Cập và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Phát biếu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, giữa lúc các nước có ít nguồn lực để ứng phó với những rủi ro của biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ, tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, gây thiệt hại khoảng 3,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Tại Ai Cập, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tình trạng mất an ninh nguồn nước và gây ra hiện tượng sóng nhiệt và sa mạc hóa, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và đe dọa an ninh lương thực.
Đến năm 2060, tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp nước, ngành nông nghiệp, chất lượng không khí và ngành du lịch có thể gây thiệt hại khoảng 2-6% GDP ở Ai Cập.
Đại sứ cho biết Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ai Cập đã rất chú trọng đến thúc đẩy tăng trưởng xanh, coi đây là con đường phát triển bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và những diễn biến bất ngờ trong quan hệ quốc tế có thể ảnh hưởng đến thế giới.
Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu khái quát về "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" của Việt Nam.
Để đảm bảo phát triển bền vững và Tăng trưởng Xanh, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm phát thải và hạn chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa, thân thiện với môi trường.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra một số cam kết mạnh mẽ, trong đó có cam kết hướng tới mục tiêu "phát thải ròng bằng không" vào năm 2050.
Tuy nhiên, chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh và giảm lượng carbon ước vào khoảng 17 tỷ USD/năm. Chỉ riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này, do đó quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam rất cần các nguồn lực bên ngoài.
Trong khi đó, Ai Cập cũng đang triển khai các bước đi chủ chốt trong chính sách khí hậu của mình, trong đó có Chiến lược Biến đổi Khí hậu Quốc gia năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Chiến lược Biến đổi Khí hậu Quốc gia của Ai Cập cung cấp một khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy các hành động khí hậu đến năm 2050, với mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng cũng như khắc phục những hạn chế về quản trị, tài chính, công nghệ và nhận thức.
Trong trường hợp của Việt Nam và Ai Cập, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho rằng để thực hiện và hoàn thành các cam kết của mình, điều quan trọng là hai nước cần tận dụng ngoại giao khí hậu để thu hút các nguồn Tài chính Xanh.
Về phần mình, Đại sứ Rao'f Saad, Cố vấn Bộ trưởng Môi trường Ai Cập phụ trách các hiệp định đa phương, đã nêu bật vai trò quan trọng của ngoại giao khí hậu trong việc huy động nguồn vốn cho các dự án xanh, cho rằng Việt Nam và Ai Cập có cơ hội vàng để khởi động một giai đoạn mới của mối quan hệ song phương bằng cách đẩy mạnh ngoại giao khí hậu, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bản địa, như một phần trong khuôn khổ hợp tác chung vì lợi ích của hai nước.
Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu bật những khía cạch lý luận và thực tiễn của ngoại giao khí hậu, thời nhấn mạnh đến hợp tác trong phát triển các công nghệ bản địa nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của các quốc gia phát triển, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và tự chủ được công nghệ.
Các diễn giả cũng thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và khởi nghiệp nhằm đảm bảo nền kinh tế Việt Nam và Ai Cập thực hiện thành công các chính sách tăng trưởng xanh của mình./.