Việt Nam và ASEAN thúc đẩy giải pháp hòa bình và bền vững cho vấn đề Myanmar
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/05 đã tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria về tình hình Myanmar với sự tham dự của đại diện nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và 10 nước ASEAN.
Tại cuộc họp, hầu hết các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình xung đột leo thang ở Myanmar, gây hậu quả to lớn về sinh mạng đối với dân thường, buộc nhiều người phải rời bỏ nơi cư trú đi lánh nạn. Các nước nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, bảo đảm hỗ trợ nhân đạo kịp cho người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh mọi giải pháp đối với tình hình Myanmar cần bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của người dân Myanmar; trong đó uu tiên hàng đầu hiện nay là thúc đẩy tất cả các bên liên quan thực hiện ngừng bắn trên toàn quốc và ngăn ngừa thảm họa nhân đạo. Đó là những bước đi cần thiết và cấp bách để xây dựng lòng tin và đối thoại thực chất giữa các bên liên quan, hướng tới đạt được giải pháp bền vững cho vấn đề Myanmar.
Đại diện Việt Nam khẳng định Đồng thuận 5 điểm tiếp tục là khuôn khổ cơ bản và phù hợp nhất để giải quyết vấn đề Myanmar, trong đó ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm, bên cạnh nỗ lực đóng góp của mỗi thành viên, trong đó có Việt Nam. Liên hợp quốc cần hỗ trợ ASEAN trong tiến trình này, góp phần tạo môi trường thuận lợi để đạt được nền hòa bình bền vững mà người dân Myanmar mong mỏi và xứng đáng được hưởng.
Nhân dịp này, Việt Nam hoan nghênh việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm bà Julie Bishop làm Đặc phái viên về Myanmar, mong muốn bà sẽ hợp tác chặt chẽ với Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy giải quyết khủng hoảng hiện nay tại Myanmar thông qua đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.
Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng hoặc khi tình hình có diễn biến mới, với sự tham gia của các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các nước, tổ chức quốc tế và cá nhân liên quan.