Việt Nam và khu vực ASEAN+3 cùng tìm giải pháp cho tăng trưởng ổn định, bền vững

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương phối hợp Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tổ chức Hội thảo 'Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 và chính sách tài khóa năm 2025'. Đây là sự kiện đánh dấu báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2025 được công bố đầu tiên trong khu vực ASEAN.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các thành viên thuộc mạng lưới các tổ chức nghiên cứu tài chính trong khu vực ASEAN+3, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng đông đảo giảng viên, sinh viên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh: Khu vực ASEAN+3 vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, để giữ vững nhịp độ tăng trưởng của khu vực, các quốc gia cần có những giải pháp phù hợp và củng cố hợp tác để cùng vượt qua các thách thức chung.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến phát biểu khai mạc.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến phát biểu khai mạc.

Tại hội thảo, các diễn giả của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 đã trình bày kết quả nghiên cứu trong các Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 2025 và báo cáo chính sách tài khóa ASEAN+3 2025.

Các đại biểu thống nhất đánh giá mức thuế quan leo thang chưa từng có đang tạo ra những trở ngại đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN+3. Tuy nhiên, khu vực vẫn giữ được vị thế vững chắc nhờ vào nhu cầu trong nước, quan hệ thương mại đa dạng và không gian chính sách linh hoạt.

Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác khu vực, các cơ quan tài chính phải linh hoạt. Đồng thời, cần có sự cam kết trung hạn cũng như các giải pháp khôi phục các vùng đệm tài khóa và tăng cường sự ổn định vĩ mô. Ngoài ra, cần triển khai các chính sách toàn diện vượt ra ngoài các biện pháp tài khóa để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà không gây áp lực quá mức lên tài chính công.

Trưởng nhóm Chuyên gia kinh tế chính AMRO, ông Allen Ng trình bày báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3.

Trưởng nhóm Chuyên gia kinh tế chính AMRO, ông Allen Ng trình bày báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3.

Chia sẻ tại hội thảo, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường đại học Ngoại thương), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Nam nhấn mạnh một số yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho Việt Nam trong trung hạn và dài hạn. Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với các xu thế lớn như già hóa dân số, biến đổi khí hậu và phân mảnh địa kinh tế, cần dịch chuyển tăng trưởng theo hướng dựa trên năng suất.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Nam, tăng nhanh năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh tế số là chìa khóa để tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường đại học Ngoại thương), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Nam chia sẻ tại hội thảo.

Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường đại học Ngoại thương), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Nam chia sẻ tại hội thảo.

Bốn nhóm yếu tố quan trọng được xác định là: Ổn định vĩ mô; thúc đẩy các đột phá chiến lược về hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng số), nhân lực đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế; phát huy vai trò của các nguồn lực mới như dữ liệu và nâng cao năng suất các nguồn lực dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát huy vai trò kinh tế số, nâng cao năng suất nội ngành; tăng cường hợp tác trong khu vực để giảm thiểu tác động của phân mảnh địa kinh tế tới chuyển giao công nghệ trong khu vực ASEAN+3.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-va-khu-vuc-asean3-cung-tim-giai-phap-cho-tang-truong-on-dinh-ben-vung-post876310.html