Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác song phương về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đa dạng các hình thức hợp tác đáp ứng chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia và bối cảnh quốc tế mới.
Chiều 28/5, Khóa họp lần thứ 1 Ủy ban hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam-Lào đã diễn ra tại thủ đô Vientiane.
Đoàn đại biểu Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, làm Trưởng đoàn.
Đoàn đại biểu Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào do Viện sỹ, Giáo sư Boviengkham Vongdara, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông, làm Trưởng đoàn.
Tại cuộc họp, hai bộ trưởng đã trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mỗi nước, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu nổi bật về công nghệ và đổi mới sáng tạo mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua. Hai bên nhất trí rằng tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng nền kinh tế đất nước.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác song phương về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đa dạng các hình thức hợp tác đáp ứng chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia và bối cảnh quốc tế mới, phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế phát triển thế giới hiện nay. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tiến hành một cách có hệ thống tham vấn về tổ chức và quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng có hiệu quả nhất tiềm năng của hai nước trong lĩnh vực này.
Đánh giá tình hình hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước thông qua các hoạt động như trao đổi đoàn các cấp; ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị; xây dựng và triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu chung giữa hai nước; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ Lào thông qua các khóa đào tạo, tập huấn; xây dựng, cập nhật chính sách và văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo của Lào; triển khai các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên.
Hai bên nhất trí rằng những kết quả hợp tác này đã đóng góp tích cực đến hiệu quả kinh tế, xã hội của hai nước; củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào trong việc triển khai các hoạt động hợp tác theo nội dung thỏa thuận của Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bộ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới, hai bên nhất trí sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ bám sát kế hoạch phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia, đảm bảo công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố then chốt và trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Trao đổi về phương hướng hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2026, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nhà nước và hỗ trợ phương pháp hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, khung pháp lý liên quan về công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng khu công nghệ cao, dịch vụ công nghệ, quản trị đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ; nhất trí đại diện lãnh đạo hai bộ sẽ thường xuyên thăm và làm việc với nhau để trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác song phương; trao đổi đoàn công tác để đánh giá giữa kỳ tình hình triển khai các ghi nhận cấp cao và thảo luận định hướng hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
Hai bên cũng sẽ hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ công nghiệp 4.0 (Trí tuệ Nhân tạo, Internet vạn vật, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây), công nghệ thông tin, khởi nghiệp, chuyển đổi số, công nghệ viễn thám, địa chất và khoáng sản, nông-lâm nghiệp, y học, công nghệ sinh học, bảo quản nông sản, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thủy lợi, nguồn nước, Biến đổi Khí hậu...
Hai bên cũng nhất trí phối hợp tổ chức mỗi năm từ 1-2 khóa đào tạo bồi dưỡng cho Học viện Công nghệ thông tin truyền thông trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời khuyến khích hai bên tham dự các hoạt động, sự kiện thúc đẩy kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do hai bên tổ chức hằng năm như hội chợ triển lãm của hai nước để thúc đẩy và chuyển giao công nghệ. Hai bên tích cực trao đổi thống nhất hoạt động hợp tác cụ thể và triển khai theo từng năm./.