Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế

Toàn cầu hóa và nền kinh tế số đặt ra những thách thức mới về quản lý thuế, như xói mòn cơ sở tính thuế, chuyển lợi nhuận, quản lý thuế các DN đa quốc gia, các hoạt động kinh tế trên không gian mạng.

Việc ký kết MOU sẽ là bước tiến trong quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị giữa hai nước; góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực phát triển, xây dựng chính sách thuế và quản lý thuế. (Ảnh: TCT/Vietnam+)

Việc ký kết MOU sẽ là bước tiến trong quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị giữa hai nước; góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực phát triển, xây dựng chính sách thuế và quản lý thuế. (Ảnh: TCT/Vietnam+)

Bên lề chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin từ ngày 19-20/6/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam Mai Xuân Thành và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Liên bang Nga Daniil Egorov đã ký MOU về hợp tác giữa hai cơ quan vào ngày 20/6, tại Hà Nội.

Các lĩnh vực hợp tác giữa hai Cơ quan Thuế sẽ bao gồm: Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách thuế và quản lý thuế, như xây dựng chính sách thuế; quản lý thuế đối với thương mại điện tử và hoạt động bán lẻ; dịch vụ thuế kỹ thuật số cho người nộp thuế; trao đổi thông tin tự động vì mục đích thuế (bao gồm thương mại điện tử); chuyển đổi số trong quản lý thuế (bao gồm quản lý dữ liệu Lớn); truyền dữ liệu trực tuyến về các giao dịch từ máy tính tiền; các lĩnh vực khác được đồng thuận bởi cả hai Bên bằng văn bản.

Các hình thức hợp tác giữa hai cơ quan thuế bao gồm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực hợp tác nêu trên và tổ chức các buổi hội thảo, phiên họp, làm việc nhóm cùng với tham quan thực tế ở cả hai nước. Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp đào tạo cán bộ, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức và các hình thức hợp tác khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của được hai bên nhất trí bằng văn bản.

Phát biểu tại lễ ký kết, lãnh đạo hai cơ quan thuế đều khẳng định Trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, địa chính trị quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, các quốc gia càng phải tăng cường khả năng phân tích, dự báo kinh tế-tài chính, cải thiện khả năng quản lý thuế. Điều này góp phần quan trọng vào bình ổn kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính bền vững của nền tài chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trong khi đó. Liên bang Nga là quốc gia có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, được đánh giá có nền kinh tế vững mạnh, đạt nhiều thành tựu tích cực trong những năm gần đây với tăng trưởng GDP cao (so với mặt bằng chung Liên minh châu Âu-EU), kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam dễ học hỏi, tiếp thu. Do đó, việc ký kết MOU sẽ tạo cơ hội để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương, góp phần củng cố quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thuế giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Liên bang Nga là quốc gia nằm ở phía Bắc Lục địa Á-Âu, phía Đông tiếp giáp Bắc Thái Bình Dương, phía Tây tiếp giáp với Đông và Bắc Âu, phía Bắc tiếp giáp với Bắc Băng Dương, phía Nam tiếp giáp với các nước Kavkaz, Trung Á và Đông Bắc Á. Thủ đô là Moscow, Liên bang Nga có diện tích 17.125.407 km2 (thứ nhất thế giới) và dân số tính đến tháng 10/2021 là khoảng 145,8 triệu người (đứng thứ 10 thế giới).

Về kinh tế-thương mại, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam-Liên bang Nga năm 2023 tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 956 triệu USD, tăng 45%. Hiện nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam (như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc) tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga. Ngược lại, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5/2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga, gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính là than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ôtô, máy móc, thiết bị các loại...

Hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí tiếp tục được duy trì và củng cố, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất-lắp ráp ôtô… cũng từng bước phát triển.

Vì vậy, việc ký kết MOU sẽ là bước tiến trong quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị giữa hai nước; góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực phát triển, xây dựng chính sách thuế và quản lý thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Liên bang Nga có kinh nghiệm như quản lý thuế đối với thương mại điện tử, dịch vụ thuế kỹ thuật số cho người nộp thuế, trao đổi thông tin tự động vì mục đích thuế, chuyển đổi số trong quản lý thuế.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-va-lien-bang-nga-tang-cuong-hop-tac-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-thue-post960231.vnp