Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác phát triển đô thị bền vững
Ngày 7/3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.
Phát triển đô thị bền vững là mục tiêu chiến lược, xuyên suốt của Việt Nam
Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược, có tính xuyên suốt của Việt Nam trong những năm qua và trong thời gian tới. Là cơ quan có chức năng tham mưu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng với hệ thống các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn và các nhiệm vụ và giải pháp lớn để thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới. Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới các đô thị ven biển của Việt Nam đã dự báo mực nước biển có thể dâng cao thêm 30cm vào năm 2050 theo kịch bản cực đoan nhất. Cũng theo kịch bản này, khoảng 4,5 triệu người dân ở các tỉnh thành ven biển có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt.
Nhận thức được những vấn đề trên, Việt Nam đã xác định quan điểm và định hướng phát triển đô thị phải theo hướng bền vững, xây dựng các đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 06 đã xác định các quan điểm và nhiệm vụ phải đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm...
Về phát triển đô thị, Nghị quyết 06 đã xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, từ lâu nay Việt Nam và Pháp đã có quan hệ đối tác chiến lược với bề dày truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Việt Nam luôn trân trọng, đánh giá cao và rất mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các nước về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, đặc biệt là từ Cộng hòa Pháp.
Trong khuôn khổ phiên toàn thể Hội thảo Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị, các chuyên gia quốc tế của Pháp đã trao đổi, làm rõ 3 nhóm chủ đề quan trọng là quy hoạch và phát triển đô thị; xây dựng đô thị có khả năng chống chịu; công cụ hỗ trợ công tác quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu hơn về những vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu trên thế giới và tại Việt Nam; khác biệt trong xu hướng phát triển đô thị bền vững tại các quốc gia phát triển và đang phát triển; cách thức Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế để phát triển đô thị bền vững, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết 06-NQ/TW định hướng công tác quy hoạch phát triển đô thị bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam đã hưởng thụ thành quả của quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh thời gian qua, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng cùng sự tăng trưởng về chất lượng cuộc sống và kinh tế đô thị. Tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân ở mức 12% – 15%/năm, gấp 1,2 – 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực đô thị cũng thấp hơn gần 3 lần khu vực nông thôn.
Nhưng bên cạnh mặt tích cực trong phát triển đô thị, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy từ sự phát triển nhanh, thiếu tầm nhìn, chưa đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Một số hạn chế của việc phát triển đô thị hiện nay là đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới; đô thị hóa chưa đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống đô thị phân bố và phát triển thiếu cân đối, thiếu sự liên kết, chưa phát huy tốt vai trò động lực, dẫn dắt của các đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng...
Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh một số bài toán cần được giải quyết trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam. Đó là làm thế nào để sự tăng trưởng lại không được gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có; làm thế nào để giải quyết bài toán về nâng cao chất lượng đô thị; làm thế nào để lan rộng các mô hình phát triển đô thị bền vững hơn để chuẩn bị cho những tương lai, rủi ro không được báo trước; làm thế nào để bảo tồn phát huy những giá trị di sản, bản sắc của đô thị trong bối cảnh hội nhập...
Để giải quyết những nút thắt nêu trên, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hướng chỉ đạo cho công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng tới mục tiêu bền vững.
Trong đó, Nghị quyết có đề ra 5 quan điểm và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để chuyển đổi và phát triển đô thị Việt Nam toàn diện hơn, hệ thống và thống nhất hơn. Đến ngày 11/11/2022 Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Một là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Hai là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Ba là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bốn là rà soát và xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành. Năm là xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, không một quốc gia nào có thể hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà thiếu sự đồng hành của quá trình đô thị hóa và ngược lại. Đô thị hóa là tất yếu, khách quan. Do đó, Thứ trưởng mong muốn Hội thảo hôm nay sẽ đóng góp nhiều kinh nghiệm quý, nhiều gợi ý hay và nhiều đề xuất hiệu quả cho công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Ngài Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc phòng chống biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay hợp tác của toàn cầu để không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Do đó, Liên minh châu Âu rất vui mừng được tham gia hỗ trợ các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, trong đó có các dự án phát triển đô thị bền vững. Thông qua Cơ quan phát triển Pháp, Liên minh châu Âu đã tài trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật cho các dự án quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phòng chống lũ lụt và biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong những năm qua.
Trong khi đó, Ngài Nicolas Warnery - Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, hợp tác quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ Pháp, còn Việt Nam là một quốc gia phải chịu tác động lớn của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, Cơ quan phát triển Pháp rất vui mừng được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của nước Pháp trong việc phát triển đô thị bền vững và phòng chống biến đổi khí hậu. Riêng tại Hội thảo lần này, Cơ quan Quy hoạch Đô thị vùng đô thị Lyon sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của Lyon, một thành phố năng động với tốc độ phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Pháp.
Trong phần tiếp theo của Hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận về quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam và kinh nghiệm tại Pháp. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Dư Minh đến từ Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng chia sẻ về Định hướng phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2020- 2030. Đại diện của Cơ quan Phát triển Pháp trình bày về bối cảnh, vấn đề và mục tiêu của các dự án phát triển đô thị bền vững: Một số bài học từ kinh nghiệm của AFD tại Việt Nam.
Ông Sébastien Rolland, Giám đốc Bộ phận hợp tác quốc tế của Cơ quan Quy hoạch Đô thị vùng đô thị Lyon chia sẻ kinh nghiệm của vùng đô thị Lyon trong vấn đề từ quy hoạch tập trung và theo quy chuẩn đến quy hoạch chiến lược. Bà Cécile Féré, Quản lý dự án SPL Confluence, SPL Part-Dieu, vùng đô thị Lyon đã nói về công cụ quy hoạch đô thị: những thành tựu gần đây ở Lyon và những thách thức trong tương lai.
Trong phần bàn về xây dựng đô thị có khả năng chống chịu, ông Vũ Cảnh Toàn, Phụ trách kỹ thuật của Viện ISET (Institute for Social and Environmental Transition) đã chia sẻ nội dung phát triển đô thị có khả năng chống chịu trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông Philippe Mary, Giám đốc các dự án chuyển đổi môi trường, Cơ quan Quy hoạch Đô thị vùng đô thị Lyon đã chia sẻ những thách thức từ các mục tiêu quốc gia và châu Âu đến các chính sách công tại vùng đô thị Lyon trong việc phát triển đô thị có khả năng chống chịu.
Trong phần thảo luận, các diễn giả và các nhà khoa học đã trao đổi về một số vấn đề trong phát triển đô thị bền vững, đó là quy hoạch sử dụng đất trong phát triển đô thị; làm rõ 2 khái niệm phát triển đô thị và phát triển bền vững; xây dựng các điều luật về phát triển đô thị bền vững; phòng chống lũ lụt trong quá trình phát triển đô thị; cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn các không gian tự nhiên, các giá trị lịch sử, di sản; giải pháp phát triển nông nghiệp trong phát triển đô thị; cách thức vận động sự tham gia của khối tư nhân và người dân trong phát triển đô thị bền vững; lồng ghép nội dung phóng chống biến đổi khí hậu và quy hoạch.