Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác về cải cách công vụ, chuyển đổi số
Ngày 23/9 tại Paris, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Chuyển đổi số và Công vụ Pháp Stanislas Guerini.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong cải cách công vụ, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công.
Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Pháp trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính giai đoạn 2022-2025, từ ngày 23-27/9, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Nội vụ thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham gia các hoạt động của đoàn.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Stanislas Guerini nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm và làm việc của Đoàn Bộ Nội vụ Việt Nam, coi đây là sự kiện quan trọng giữa hai bộ.
Ông Stanislas Guerini cho rằng, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Chuyển đổi số và Công vụ Pháp được ký kết giữa Bộ Nội vụ Việt Nam trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính được ký kết ngày 31/3/2022 tại Hà Nội là dấu mốc quan trọng đối với cả hai bên nhằm trao đổi, chia sẻ và học tập lẫn nhau. Pháp sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm của Pháp trong việc đổi mới mô hình đào tạo cán bộ cấp cao, có tính chuyên nghiệp để giải quyết bài toán trong thời đại mới.
Bộ trưởng Stanislas Guerini cho rằng, nền công vụ giúp tạo niềm tin của người dân. Công chức được đào tạo bài bản, nâng cao chất lượng cũng là để phục vụ người dân và là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ chính là cải cách công vụ, chuyển đổi số, tinh gọn đội ngũ.
Theo Bộ trưởng Stanislas Guerini, việc tăng cường hợp tác giữa hai bộ là sự đóng góp thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2023.
Bộ trưởng Stanislas Guerini cũng đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong thời gian, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa qua dù có nhiều thách thức do đại dịch Covid-19.
Thông báo về tình hình Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay, Việt Nam đã kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế. Tăng trưởng GDP đạt 6,42%, là con số vô cùng ấn tượng mà rất ít quốc gia trên thế giới đạt được kết quả này. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4,2%.
Những thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế nêu trên của Việt Nam có sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, của nhân dân và Chính phủ Pháp, trong đó có Bộ Chuyển đổi số và Công vụ Pháp.
Đề cập đến thỏa thuận giữa hai bộ trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thỏa thuận này không chỉ tạo điều kiện tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong quản trị công giữa Việt Nam và Pháp, mà còn góp phần tiếp tục đưa ra các định hướng hợp tác thời gian tới, cũng như xác định những hoạt động hợp tác cụ thể, mang tính thiết thực và vì lợi ích của hai bên.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2021 đã được thực hiện rất thành công trên lĩnh vực công vụ, công chức, cải cách hành chính và chuyển đổi số. Nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực gồm các hội thảo, hội nghị về cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số đã được tổ chức, đem đến hiệu quả lớn cho Bộ Nội vụ Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chính là cải cách hành chính, chuyển đổi số và cải cách chế độ công vụ, gắn với khắc phục biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, để từ đó thúc đẩy tăng trưởng phát triển xanh. Đây là những lĩnh vực mà Pháp có rất nhiều kinh nghiệm và Việt Nam có nhu cầu trao đổi, học tập.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mong muốn trong giai đoạn 2022-2025, hoạt động hợp tác giữa hai bộ sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung ưu tiên gồm: cải cách công vụ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công; hoạt động phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chính quyền địa phương, tinh gọn tổ chức bộ máy; và chia sẻ những tài liệu, ấn phẩm liên quan đến cải cách công vụ, quản lý công chức của Chính phủ Pháp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Những ưu tiên hợp tác nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách công vụ, đáp ứng yêu cầu công cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam. Đây sẽ là những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2023.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Việt Nam mong muốn tiếp tục đưa cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương sang học tập tại Pháp. Mục đích là để nâng cao về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị chính quyền địa phương; chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và cải cách hành chính công tại hai cơ sở là Trường đại học Quản trị Normandie (khai giảng vào ngày 26/9/2022) và thời gian tới là Viện Dịch vụ công quốc gia.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đã nghe bà Nathalie Colin - Tổng cục trưởng Tổng cục Hành chính và Công vụ (DAGFP) - trình bày khái quát về nền công vụ Pháp, kinh nghiệm trong tinh giản biên chế và định hướng hợp tác với Bộ Nội vụ Việt Nam.
Bà Maryvonne Lebrignonen, Giám đốc Viện Dịch vụ công quốc gia (INSP) cũng trao đổi với Đoàn Bộ Nội vụ về khả năng hợp tác, tổ chức các đoàn bồi dưỡng của Việt Nam sang học tại Viện Dịch vụ Công Quốc gia của Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hợp tác đào tạo công vụ và chuyển đổi số giữa Pháp và Việt Nam góp phần đóng góp cho sự phát triển trong mối quan hệ giữa nước.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã tới thăm Viện Dịch vụ công quốc gia Pháp và trao đổi về kế hoạch, phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới, trong đó có việc cử các cán bộ nữ và trẻ chính quyền địa phương sang đào tạo tại đây.
Tại trụ sở của Tập đoàn Eurogroup Consulting, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn, ông Gilles Bonnenfant. Đây là tập đoàn lớn của Pháp chuyên về tư vấn, hỗ trợ triển khai và tổ chức chuyển đổi dịch vụ công. Lãnh đạo của tập đoàn đã chia sẻ về kinh nghiệm trong việc xây dựng chính phủ số, chuyển đổi tại các nước đang phát triển, trong đó có khu vực châu Á.