Việt Nam và Thụy Điển chú trọng hợp tác đầu tư tới các lĩnh vực công nghệ cao

55 năm qua, Việt Nam và Thụy Điển không ngừng phát triển các mối quan hệ song phương và đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2024, hai nước chú trọng hợp tác đầu tư tới các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và đổi mới sáng tạo…

Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời và khá đặc biệt.

Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời và khá đặc biệt.

Năm 2024 đánh dấu mốc kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Với tư cách là một quốc gia đứng đầu Bắc Âu nói chung và trên thế giới nói riêng trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững các nguồn năng lượng sạch, Thụy Điển là đối tác tin cậy của Chính phủ Việt Nam, sở hữu các kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp công nghệ tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

THỤY ĐIỂN LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM TẠI BẮC ÂU

Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời và khá đặc biệt. Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969. Nhắc tới Thụy Điển, nhân dân Việt Nam luôn nhớ tới sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước sau này.

Tính đến nay, Việt Nam và Thụy Điển đã ký kết 107 hiệp định và 12 thỏa thuận song phương. Hiện đang có 42 hiệp định và thỏa thuận vẫn còn hiệu lực, tạo cơ sở nền tảng quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học - công nghệ và phát triển bền vững.

Thụy Điển là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ ODA khá lớn cho Việt Nam với tổng số vốn trị giá 3,46 tỷ USD tính tới năm 2013. Nguồn vốn này đã được Việt Nam sử dụng hiệu quả để đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thụy Điển cũng giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực như nông - lâm nghiệp, y tế, năng lượng điện, báo chí, truyền thông... Nhiều thế hệ chuyên gia Thụy Điển đã sang Việt Nam công tác và cống hiến nhiều trí tuệ, công sức cho sự phát triển của Việt Nam. Về quan hệ thương mại song phương đã có những bước tiến triển rất đáng khích lệ. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD.

Tính riêng, trong 8 tháng đầu năm 2024, con số này đã lên tới 966,77 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Bắc Âu.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp đoàn các nhà đầu tư Bắc Âu trong hội nghị thường niên các CEO Bắc Âu tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp đoàn các nhà đầu tư Bắc Âu trong hội nghị thường niên các CEO Bắc Âu tại Hà Nội.

Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 6/2024, Thụy Điển có 111 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 742,65 triệu USD, xếp thứ 29 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí máy móc, công nghiệp thực phẩm, đồ nội thất, sản xuất bao bì...

Tháng 3/2024, đoàn 100 doanh nghiệp lớn của Bắc Âu, trong đó khoảng 40% đến từ Thụy Điển đã tới thăm Việt Nam, cho thấy mối quan tâm rất lớn của giới kinh doanh Thụy Điển đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

NĂM 2024, NHIỀU BẢN GHI NHỚ ĐƯỢC KÝ KẾT

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những điều kiện địa chính trị như hiện nay, Thụy Điển đã định hình chiến lược phát triển đầu tư và thương mại chú ý tập trung vào khu vực châu Á. Và Thụy Điển đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của mình. Việt Nam hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á, kim ngạch song phương luôn ổn định và tăng trưởng đều qua các năm. Không những vậy, Việt Nam đã có dự án đầu tư đầu tiên tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư từ năm 2019 đến nay đạt khoảng 5,2 triệu USD. Doanh nghiệp công nghệ phần mềm lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn FPT cũng đã chính thức khai trương Văn phòng đại diện tại Thụy Điển, đánh dấu bước phát triển mới hết sức tích cực về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phần mềm giữa hai nước.

Mới đây, từ ngày 10/11 - 13/11/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có chuyến thăm chính thức tới Vương quốc Thụy Điển. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển (1969 - 2024). Đặc biệt, một số văn bản ghi nhớ hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước đã được ký kết.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: TTXVN.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: TTXVN.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân còn tham dự hội thảo bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển về chủ đề chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam hiện rất có nhu cầu hợp tác với quốc tế, trong khi Thụy Điển nắm giữ nhiều kinh nghiệm phát triển. Cũng dịp này, hai nước công bố khai trương tuyến đường vận tải biển kết nối trực tiếp giữa Cảng Vũng Tàu (Việt Nam) và Cảng Goteborg (Thụy Điển). Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để góp phần tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Các hoạt động của các cơ quan Chính phủ cũng như của doanh nghiệp hai nước về hợp tác trong lĩnh vực logistics, về Chuyển đổi số và phát triển xanh… trong dịp này đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước, giữa các doanh nghiệp nhằm thắt chặt sợi dây tình cảm giữa nhân dân Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Tú Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-va-thuy-dien-chu-trong-hop-tac-dau-tu-toi-cac-linh-vuc-cong-nghe-cao.htm