Việt Nam với những nỗ lực trong việc bảo vệ quyền con người
Cách đây 75 năm, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Bản tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại. Đây cũng là một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ XX, được tất cả các nước thông qua và đã trở thành nền tảng để các quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng trong quá trình xây dựng các văn kiện liên quan đến việc bảo vệ quyền con người.
- Tiết thực hành bộ môn Sinh học tại trường phổ thông DTNT THCS huyện Thanh Sơn. Ảnh: Ngọc Bích
Bản Tuyên ngôn không chỉ chọn lọc kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, mà còn đề cập tới những vấn đề mang tính thách thức đối với các hệ thống xã hội vào thời điểm đó. Đó là quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; quyền được tham gia vào việc quản lý đất nước... Đây là những nhu cầu bức thiết của đại bộ phận dân chúng vẫn chưa được đáp ứng ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất.
Cũng vào thời điểm đó, các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền làm việc, bao gồm quyền được bảo vệ, chống lại thất nghiệp; quyền được giáo dục... được xem là những ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sau nhiều cuộc tranh luận đã được đưa vào văn kiện quan trọng này. Bản Tuyên ngôn với 30 điều khoản ngắn gọn, rất hữu ích và tiện lợi cho mục đích giáo dục nhân quyền.
Tuy không phải là văn kiện pháp lý quốc tế nhưng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền là nền tảng để xây dựng luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; cũng như được đưa vào các văn kiện về quyền con người của các cơ chế khu vực và vào pháp luật của các quốc gia.
Đến năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 423, tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) bằng các phương thức khác nhau. Hàng năm, Ngày Nhân quyền 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới.
Ngay sau khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Công ước về quyền dân sự và chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này.
Các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ đã được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Việc Việt Nam hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 – 2009 và 2020-2021) và hai lần được chọn là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc- cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ cao (nhiệm kỳ 2014 – 2016 và 2023-2025), là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.
Đây cũng là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Với vai trò này, Việt Nam ngày càng có thêm cơ hội đóng góp, tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
- Người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) thăm khám sức khỏe tại Tạm y tế xã.Ảnh: Hồng Nhung
Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay. Từ ngày thành lập nước đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền do Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế phát động như: Tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em; chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc...
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Theo đó, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ngày càng thay đổi và được nâng cao. Mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.
Quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc. Giá trị đó đã sớm được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đối với dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền con người được xem là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về điều này, đồng thời chúng ta cũng có nghĩa vụ nặng nề trong việc giữ gìn niềm tự hào đó cho các thế hệ tương lai.