Việt Nam xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc
Sáng 22/10, Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, theo Nghị định thư ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 26/4/2019 đã được tổ chức.
Tham dự sự kiện có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở T.Ư, các tỉnh, TP; các hội, hiệp hội và doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa xuất khẩu; các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam…
Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với trị giá gần 10 tỷ USD. Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025. Chính vì thế, Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng.
Sau 6 tháng 10 ngày kể từ khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 26/4/2019), các bộ ngành đã phối hợp vào cuộc đồng bộ, khẩn trương. Kết quả, đến ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, công bố Công ty Cổ phần sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm sữa, gồm: Sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên (Sterilized milk và Modified milk) sang thị trường 1,4 tỷ người.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. Doanh nghiệp sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị, khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, bảo đảm các sản phẩm sữa sản xuất ra hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Trung Quốc. Ngay tại buổi lễ, Công ty Cổ phần sữa TH cũng đã tiến hành Lễ ký hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác là Công ty thương mại Kim Kiều (Vô Tích, Trung Quốc).
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực rất lớn của cộng đồng các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần sữa TH nói riêng, trong việc khẩn trương triển khai các nội dung của Nghị định thư để có thể xuất khẩu lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ngay trong tháng 10/2019. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà còn đối với nhiều thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản, Canada, Australia, Hoa Kỳ, Thái Lan…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi bò sữa tăng cường đầu tư, phát triển đàn bò sữa để tạo nguồn sữa tươi nguyên liệu trong nước ngày càng nhiều hơn nữa nhằm khai thác tiềm năng, cơ hội thị trường Trung Quốc mà Nghị định thư đã mở ra.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa đối với 4 doanh nghiệp khác của Việt Nam đã hoàn thiện Hồ sơ giữa cơ quan quản lý Trung Quốc.
Chia sẻ tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc Hùng Ba nhấn mạnh, việc lô sữa đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc là nỗ lực chung của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong hơn 6 tháng qua; đồng thời, là sự cụ thể hóa định hướng hợp tác sau nhiều cuộc gặp của lãnh đạo hai nước.
Ông Hùng Ba cho rằng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển kinh tế của hai nước, đặc biệt là có liên quan mật thiết đến an sinh xã hội.
Liên quan đến sản phẩm sữa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc cho rằng, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm sữa vào Trung Quốc vẫn còn dư địa do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực hiện chính sách mở cửa đối với sản phẩm sữa nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Chúc mừng tập đoàn TH, ông Hùng Ba cũng tin tưởng sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sữa vào Trung Quốc. Đồng thời, hy vọng hai nước có thể phát triển, hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; cùng nỗ lực để phát huy ưu thế và tính bổ trợ trong các lĩnh vực khác nhau.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH (với thương hiệu TH true Milk) cho biết, trong quá trình đàm phán nghị định thư, đoàn thanh tra phía Trung Quốc đã có nhiều chuyến làm việc tại Việt Nam, trong đó có chuyến công tác tới trang trại TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) để đánh giá về năng lực quản lý, giám sát, chẩn đoán dịch bệnh đàn bò, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật. Các đoàn thẩm định đều đánh giá rất cao quy sản xuất với mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Trung Quốc.
Với cách tiếp cận thị trường bài bản, đến nay, Công ty cổ phần sữa TH đã ghi danh là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tiếp cận thị trường lớn của thế giới với hơn 1,4 tỷ dân. Bà Thái Hương cho biết, ngay sau khi được cấp mã giao dịch đầu tiên, tập đoàn TH đã sẵn sàng cho các đơn hàng lớn xuất khẩu sữa tươi. Trong tương lai, tập đoàn TH sẽ tiếp tục chiến lược xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, nông sản tươi, sạch, hữu cơ sang thị trường đầy triển vọng Trung Quốc.
Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa lớn nhất Việt Nam. Hiên, tập đoàn TH đang sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Nghệ An hiện đã đạt công suất 350.000 tấn/năm (tổng công suất chế biến dự kiến là 500.000 tấn/năm).Trong chiến lược phát triển, tập đoàn TH phấn đấu đến năm 2025, tổng số đàn bò phát triển sẽ đạt 400.000 con.