Viết nhân Ngày Tri ân!

1. Những ngày cuối tháng 7 này, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ đến câu hỏi của người cựu chiến binh già tình cờ gặp trên chuyến xe tốc hành ra Nghệ An công tác cách đây 20 năm.

Người quản trang chăm sóc các phần mộ ở NTLS Độc Lập (Điện Biên). Ảnh: P.T

Người quản trang chăm sóc các phần mộ ở NTLS Độc Lập (Điện Biên). Ảnh: P.T

1. Những ngày cuối tháng 7 này, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ đến câu hỏi của người cựu chiến binh già tình cờ gặp trên chuyến xe tốc hành ra Nghệ An công tác cách đây 20 năm.

Khi xe chạy qua cầu Hiền Lương (Quảng Trị), tôi cố gượng cơn say xe, chồm dậy nhìn qua cửa ngắm cây cầu đã đi vào lịch sử của dân tộc như là một nhân chứng sống về thời kỳ đất nước bị chia cắt. Bất chợt, ông bắt chuyện bằng câu hỏi không liên quan gì đến cây cầu này: "Cháu suy nghĩ gì khi phần lớn các Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trên cả nước đều được đặt ở vị trí trang trọng tại các trục đường chính của mỗi tỉnh, thành, hoặc quốc lộ, tỉnh lộ?". Ngạc nhiên trước câu hỏi này, sau một hồi suy ngẫm, tôi trả lời với vẻ không lấy gì làm chắc chắn: "Dạ! Để nhắc nhớ thế hệ hôm nay, mai sau luôn khắc ghi những gì thế hệ đi trước đã hy sinh, đổ biết bao máu xương để có được hòa bình, độc lập của ngày hôm nay, phải không chú?". Ông nhìn tôi gật gù ra chiều hài lòng.

Khi xe dừng lại tại một quán ven QL1A thuộc địa phận Quảng Bình để hành khách ăn cơm tối, tôi ngồi cùng bàn ăn với ông. Lúc này, ông mới mở lòng cho biết quê ở Thanh Chương (Nghệ An); trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc, từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bị thương và mất đi một cánh tay vào năm 1972. Ông vừa vào H.Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thăm mộ một người bạn cũng là đồng chí, là ân nhân. Ông ngậm ngùi chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ của anh ấy, chú lại đón xe vào Nam, đến NTLS H.Củ Chi thắp cho anh ấy một nén nhang. Cuộc sống của chú có được như ngày hôm nay là nhờ anh ấy đã lấy thân che chở... Trong chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nếu cứ so đo, tính toán thiệt hơn, có lẽ chú cũng như rất nhiều đồng chí nữa đã không sống được cho đến ngày nay". Giờ nhớ lại kỷ niệm này, tôi nghe sống mũi mình cay cay!

2. Tháng 7 về, chợt nôn nao nhớ Côn Đảo, Quảng Trị và Điện Biên - 3 trong số rất nhiều vùng đất tôi từng đặt chân đến trong hành trình rong ruổi tác nghiệp.

Sở dĩ, tôi đặc biệt nhớ đến những vùng đất này bởi nơi đây từ lâu đã trở thành "địa chỉ đỏ" của cả nước với NTLS Hàng Dương (Côn Đảo), NTLS Trường Sơn, NTLS Đường 9 (Quảng Trị), NTLS Đồi A1, NTLS Độc Lập, NTLS Him Lam (Điện Biên). Thời học đại học, tôi quen một người bạn quê Quảng Trị, khi được hỏi "ngoài gió Lào, quê mi có gì khác đặc biệt?", câu trả lời nhận được là "...NTLS!". Lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Trị, khi viếng thăm NTLS Trường Sơn, NTLS Đường 9, tôi hiểu vì sao bạn tôi đã nói vậy. Cả tỉnh Quảng Trị có đến 72 NTLS thì có đến 2 NTLS cấp quốc gia. Nhiều cựu chiến binh tôi từng gặp cho biết, họ không thể nào quên những năm tháng từng tham gia chiến đấu tại chiến trường khói lửa ác liệt Quảng Trị. Với họ đó là một Thời Hoa Đỏ không thể nào quên và không được phép quên! Có nhiều người vì không thể nào quên về Thời Hoa Đỏ này, đã dành cả cuộc đời về hưu để đi tìm mộ liệt sĩ, như cựu chiến binh, thương binh Mai Thanh Hùng ở Hướng Hóa (Quảng Trị)- nhân vật tôi từng đề cập trong bài viết "Tổ quốc đón anh về"...

3. Lần đầu tiên đặt chân lên Côn Đảo và Điện Biên, nơi đầu tiên tôi đến là NTLS Hàng Dương, NTLS A1 và NTLS Độc Lập. Vẫn còn trong tôi cái cảm giác nôn nao, khó diễn đạt được bằng lời khi đi giữa những hàng mộ có tên và không tên im lìm, khói hương nghi ngút. Trong không gian đặc quánh mùi hương trầm, lòng chợt lặng đi vì xúc động khi chứng kiến hình ảnh của một người đàn ông mặc áo đồng phục của Đoàn Thanh niên kính cẩn đốt thuốc thơm trên mộ các liệt sĩ, thì thầm điều gì đó rất linh liêng tại NTLS Độc Lập. Lại nhớ đến cơn gió từ rừng dương ở Côn Đảo chạy băng qua các ngôi mộ, rì rào thổi từng đợt như những cơn sóng ngầm, rồi từ từ rơi xuống những cọng lá vàng kim trên lối đi. Và trong tiếng hát du dương của những rừng dương xanh ngắt ở Côn Đảo, tôi chợt hiểu vì sao nơi đây có một ngày được gọi là "Ngày Côn Đảo". Vào ngày này, người dân nơi đây cùng hàng vạn người dân cả nước hướng về để tưởng nhớ hương linh của những anh hùng bất khuất đã sống, chiến đấu, hy sinh và yên nghỉ tại NTSL Hàng Dương...

4. 27-7! Nhớ đến những NLTS từng viếng thăm, để thêm một lần nữa tự hỏi lòng: Có đâu như trên đất nước Việt Nam này, máu và nước mắt hòa chung cùng với đất. Sự hy sinh quá đỗi cao quý, chói ngời của các anh hùng, liệt sĩ đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" nhắc nhớ thế hệ hôm nay, mai sau không được phép quên...!

Tùy bút: KHÁNH YÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_210028_viet-nhan-ngay-tri-an-.aspx