Viết sách bằng công nghệ hay bằng gan ruột
Tối 20/4, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần hai, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức diễn đàn 'ChatGPT về viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay.
“Mì ăn liền”, bắt trend
“Cách đây vài ngày, tôi có trò chuyện với nhóm bạn trẻ làm sách chuyên nghiệp trong nước, họ có tốc độ ra sách nhanh khủng khiếp. Nhóm các bạn ấy có đội viết dựa vào ChatGPT, có đội biên tập… Một số sản phẩm sách có sự hỗ trợ từ ChatGPT bán được”, đó là thông tin được chia sẻ từ anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ WEWE (VoizFM).
Ông Lê Hoàng Thạch cho biết thêm nhóm làm sách lựa chọn những đề tài đúng trend (xu hướng) giới trẻ như viết về thao túng tâm lý, cách chữa lành… và đặt tựa rất bắt tai.
“Đây là trường hợp khá thú vị tôi biết. Những người cầm bút, hay nói đúng hơn là cầm bàn phím, rất biết mình cần viết cái gì người khác đang quan tâm. Không thể ngồi viết cần mẫn quá lâu như ngày trước, bởi như vậy sẽ “qua trend”, hết xu hướng nên họ dùng ChatGPT. Hoàn toàn có thể nói đó là những sản phẩm “mì ăn liền” và họ có thể bán được sách cho một bộ phận độc giả muốn đọc kiểu như thế…”, ông Lê Hoàng Thạch nói.
Câu chuyện trên đã đặt ra những câu hỏi: ChatGPT tác động ra sao đến việc viết sách? Nên viết sách bằng ChatGPT hay bằng gan ruột? ChatGPT có bào mòn sức sáng tạo của người viết?
Tác giả Lê Huỳnh Đức có 8 năm theo nghề viết lách cho biết đã tìm hiểu khá kỹ về ChatGPT mấy tháng qua. Theo Lê Huỳnh Đức, từ gợi ý của các tác giả, ChatGPT có thể tạo ra đề cương, chương mục, mục lục cho cuốn sách khá tốt, người viết có thể tham khảo và dựa vào đó để tinh chỉnh. Anh tin rằng thời gian tới sẽ có không ít tác giả, nhóm tác giả trẻ xuất hiện cùng xu hướng viết có sự hỗ trợ từ ChatGPT.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM, cho biết với tư cách là nơi đón nhận các tác phẩm còn thô từ tác giả nhiều độ tuổi, bà nhận thấy việc ứng dụng công nghệ hay ChatGPT chưa thực sự nhiều, rõ ràng. Dù vậy, xu hướng tận dụng công nghệ đang dần dần phổ biến, điều này có thể có ở các cây bút trẻ.
“Tuy nhiên, theo tôi, thứ tạo nên phong cách, nét riêng của từng cây bút phải từ bên trong bản thân mình. Kiến thức có thể tham khảo, cách viết có thể trau dồi nhưng sáng tạo cá nhân, năng lực riêng mới quyết định cây bút đó gây ấn tượng với độc giả ra sao”, bà Đinh Thị Thanh Thủy nhận định.
Nguy cơ bào mòn trí sáng tạo
Nhà văn Phương Huyền đánh giá cao công nghệ này và thấy thú vị khi mọi người chia sẻ, tìm hiểu nhiều về nó. Bản thân chị cũng từng thử ứng dụng ChatGPT vào việc hỗ trợ công tác chia sẻ với học sinh các trường. Nhà văn cho biết, thế hệ chị vẫn sẽ nghiên cứu sử dụng phù hợp các ứng dụng công nghệ để mở rộng trí tưởng tượng, sáng tạo của mình hơn.
Tuy nhiên, nhà văn Phương Huyền khẳng định: “ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ. Nó có thể đưa ra nhiều câu chuyện nhưng không thể nào như nhà văn Trần Đức Tiến viết Xóm bờ dậu hay nhà văn Kim Hòa viết Đỉnh khói, Cửa sổ phía đông, Cơn lũ vẫn chưa qua, Con chim phụng cuối cùng… với bao điều thú vị, sâu sắc phía sau câu chữ”.
Đồng tình góc nhìn của nhà văn Phương Huyền, tác giả Lê Huỳnh Đức chia sẻ: “Nhờ ChatGPT viết một cuốn sách theo giọng văn của nhà văn Mỹ Dan Brown cùng kinh nghiệm vài năm viết lách có thể làm được. Nhưng điều này lại dẫn đến việc có phải chúng ta đang dùng ChatGPT để bắt chước hay không? Tôi cho rằng, người viết trẻ nên xem sản phẩm công nghệ như một trợ lý đắc lực và mình mới là trọng tâm chứ không thể để nó dẫn dắt”.
Theo PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ChatGPT là thành quả của trí tuệ nhân tạo. Công nghệ số từng có nhiều ứng dụng nhưng để gây sốt như ChatGPT là bởi nó liên quan đến ngôn ngữ. “Không thể phủ nhận ChatGPT có nhiều ưu điểm, nó tổng hợp tri thức của cả trăm thứ tiếng, từ hàng trăm nghìn cuốn sách. Tuy vậy, nếu lạm dụng việc mài mòn trí sáng tạo của con người là điều không tránh khỏi. Điều này khiến người viết dễ… lười. Nói chung, máy móc không thể thay thế con người, vì máy móc không có cảm xúc”, ông Đinh Điền phân tích.
Tiểu Tân / Sài Gòn giải phóng
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-sach-bang-cong-nghe-hay-bang-gan-ruot-post1424145.html