Việt Tân, RFA lại ảo tưởng
Ngày 28-2-2023, Việt Tân thông báo đã có cuộc họp rất quan trọng để đánh giá tình hình nhân quyền và quyền người lao động tại Nghị viện châu Âu. Cuộc họp quan trọng đến mức Nghị viện châu Âu có 750 nghị sĩ nhưng chỉ có… 2 người tham dự. Cuộc họp tuy rất quan trọng nhưng khả năng tổ chức theo hình thức 'chui' hoặc 'lén' nên không thấy nói đến địa điểm.
Chắc có lẽ vì thành phần tham dự không lấy gì làm tự hào cho lắm nên Việt Tân không dám công khai địa điểm. Cụ thể, thành phần ngoài 2 người được cho là dân biểu của Đan Mạch và Bỉ còn có thêm Việt Tân, Phóng viên không biên giới, Hội anh em dân chủ… Đây toàn là những cái tên tổ chức ở nước ngoài rất quen thuộc, thường xuyên có những hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Nghe qua những cái tên đó, không cần tham dự mọi người đều đoán được nội dung cuộc họp và những phát biểu của đại biểu tham gia là gì. Đều là những phủ nhận, cáo buộc, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt, Trần Đức Tuấn Sơn (đại diện cho Việt Tân) đã cho rằng: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn. Trước đây Nhà nước Việt Nam chỉ bắt bớ những người bất đồng chính kiến, facebooker, blogger… Nhưng gần đây, sự đàn áp đó đã vượt ra khỏi lằn ranh bất đồng chính kiến, Nhà nước bắt giữ cả những người hoạt động về môi trường, nhân quyền một cách chung chung”. Và thật nực cười, thông qua 2 vị dân biểu, chúng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành vi đàn áp đối với các nhà hoạt động ôn hòa và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Có thể nói đây là hành động mang tính chất ảo tưởng sức mạnh của Việt Tân. Chỉ với một cuộc họp mang hình thức “chui lủi” mà đòi 27 nước thành viên EU phải làm thế này, thế kia đối với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam và EU đã là đối tác quan trọng của nhau, thiết lập và kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao (28-11-1990 - 28-11-2020); Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) cũng đã có hiệu lực hơn 3 năm và đang mang lại những kết quả tốt đẹp cho cả hai phía. Vậy hà cớ gì EU phải nghe lời xúi bậy của những kẻ mắc bệnh ảo tưởng kia. Từ cuộc họp “rất quan trọng” này của Việt Tân lại nhớ đến Đài Á châu tự do (RFA) cách đây khoảng 3 tháng cũng có hành động ảo tưởng như vậy. Thời điểm đó, đài này đã có cuộc trao đổi với vị dân biểu Mỹ Alan Lowenthal, nhân vật thường xuyên có động thái tiếp tay cho hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây lại là câu chuyện chọc ngoáy vào vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam của vị dân biểu với những động cơ không trong sáng.
Trong cuộc trao đổi, ông này luôn khẳng định ở Việt Nam có những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Họ bị cấm lên tiếng và bị bắt bởi bất đồng chính kiến. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận những người bất đồng chính kiến để họ được nói và tiếp thu nhằm làm cho đất nước mạnh hơn. Việc bắt những người nói lên sự thật, bỏ họ vào tù một thời gian dài, cáo buộc họ tội phản động, âm mưu lật đổ chính quyền thì Việt Nam sẽ không bao giờ là một quốc gia hùng mạnh. Ông còn đề nghị Hoa Kỳ không nên ưu ái với những quốc gia như Việt Nam; không nên có những mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Việt Nam khi mà nước này vẫn còn bắt giữ những người bất đồng chính kiến, không cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đây lại là hành động ảo tưởng của vị dân biểu Hoa Kỳ “đáng kính” và RFA. Hiện nay, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với nhau. Đây là mối quan hệ tốt đẹp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong chính sách ngoại giao của mình. Vì vậy, tiếng nói của vị dân biểu như Alan Lowenthal và RFA không cần bận tâm, nó như kiểu “muỗi đốt inox”.
Thực tế, những tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến mà ông Alan Lowenthal, RFA hay Việt Tân và những vị đại biểu trong cuộc họp “rất quan trọng” kia nhắc đến là các đại diện như: Nguyễn Văn Hóa, người phát tán các bài viết, video, hình ảnh có nội dung kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; là Thích Quảng Độ, người đã có thái độ bất mãn, liên tục tiến hành các hoạt động chống đối, viết và phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc tình hình trong nước, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật; là Huỳnh Thục Vy, người đã bị xử lý hình sự với tội danh như xúc phạm Quốc kỳ, cung cấp, trao đổi, tuyên truyền, đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; là Trần Huỳnh Duy Thức, đối tượng đang thụ án 16 năm vì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 109 Bộ luật Hình sự… Ở nước ta, có những người coi mạng xã hội là môi trường để nói, viết không giới hạn, vì thế mà vi phạm pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự liên quan đến những phát ngôn xuyên tạc, chống đối Đảng, Nhà nước, vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên internet. Như vậy, những hành vi vi phạm họ gây ra dù vô tình hay cố ý cũng phải bị trừng trị thích đáng bằng những bản án phù hợp theo luật định. Không chỉ Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào, các quyền tự do, dân chủ đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Việt Nam luôn tham gia đầy đủ, trọn vẹn tất cả Công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc. Điều đó đã được Việt Nam thể hiện rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển đất nước. Đó là mục tiêu được Nhà nước Việt Nam xác định xuyên suốt, lâu dài. Quyền con người, quyền công dân của người dân đã được hiến định tại Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh hơn tại các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Tại Đại hội XIII, một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bản chất là yêu cầu thượng tôn pháp luật. Mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội phải sống, làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Như thế, có thể khẳng định Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, vững chắc về nhân quyền cả trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời phủ nhận hoàn toàn các thông tin về nhân quyền ở Việt Nam như Việt Tân, RFA đưa ra. Bởi bản chất những thông tin đó là chiêu trò thâm độc để thực hiện mưu đồ “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142107/viet-tan-rfa-lai-ao-tuong