Viết tiếp giấc mơ biên cương còn dang dở của cha

Dù ước hẹn cùng hành quân trên đường tuần tra biên giới không thể thành hiện thực, nhưng suốt những năm qua, Trung tá Đặng Văn Tuấn (Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, BĐBP Điện Biên) luôn nỗ lực, cố gắng để xứng đáng với những kỳ vọng của người cha đã khuất. Ước mơ về biên giới còn dang dở của cha đang được anh hoàn thiện với tư cách, trách nhiệm của một người con, một người lính trấn ải biên cương.

Trung tá Đặng Văn Tuấn bên mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Trung tá Đặng Văn Tuấn bên mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Nhập ngũ vì ước nguyện của cha

Sau nhiều năm trở lại A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chúng tôi vô cùng bất ngờ trước sự thay đổi của mảnh đất biên cương này. Những bản của đồng bào Hà Nhì được bao bọc giữa màu xanh của rừng núi. Chỉ có một điều không thay đổi, đó là trong mỗi câu chuyện, đồng bào luôn nhắc đến những người lính Biên phòng với thái độ trận trọng nhất. Đồn Biên phòng A Pa Chải đã được xây dựng khang trang và hơn cả là cảnh quan đơn vị rất đẹp. Đồn trưởng là Trung tá Đặng Văn Tuấn với phong cách, tác phong làm việc, cùng thái độ cởi mở khiến chúng tôi có câu chuyện vui vẻ, đầy thân tình. Bố của Trung tá Đặng Văn Tuấn cũng là người lính Biên phòng quanh năm xa nhà, cả cuộc đời gắn bó với biên giới Lai Châu.

Anh bảo: “Từ nhỏ, 4 mẹ con tôi cũng quen với việc ăn Tết trước ngày ông Công, ông Táo để bố lên biên giới canh giữ đất trời biên cương. Tôi là con trưởng và hợp tính với bố nhất, nên thường viết thư tâm sự. Dù không nói ra, nhưng qua những lần nói chuyện, tôi hiểu rằng, bố rất kỳ vọng tôi sẽ nối nghiệp của mình”.

Năm 2000, chàng thanh niên Đặng Văn Tuấn tốt nghiệp cấp ba. Trong khi các bạn rủ nhau thi trường này, trường khác thì Tuấn chỉ thi duy nhất một trường là Học viện Biên phòng, dù biết rằng “tỉ lệ chọi” rất cao. Quãng thời gian ôn thi vào học viện, anh được Đại tá Nguyễn Hoài Khanh, Trưởng khoa Chiến thuật, Học viện Biên phòng, cũng là đồng đội của bố khi còn công tác tại Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu giúp đỡ rất nhiều. Mặc dù ở tập thể, phòng chật hẹp, nhưng Đại tá Nguyễn Hoài Khanh vẫn bố trí riêng một góc với đầy đủ phương tiện cần thiết để anh ôn thi thật tốt. Những lúc nghỉ ngơi, bác lại kể cho anh nghe chuyện bác và bố ngày còn ở biên giới. Sau năm 1979, cuộc sống của người lính vô cùng gian khổ, thiếu thốn đủ bề, sốt rét triền miên, thế nhưng, không một ai từ bỏ nhiệm vụ. Đồng bào cũng thế, dù nghèo nhưng luôn yêu thương, đùm bọc những anh bộ đội miền xuôi lên đây bảo vệ biên giới…

Không hiểu sao, với một số người nghe khó khăn là chùn bước, nhưng với chàng thanh niên tuổi 18, đôi mươi thì lại càng thêm quyết tâm để một ngày không xa, hai cha con cùng được hành quân trên đường tuần tra biên giới, cùng giúp đỡ đồng bào. Và anh đã trở thành học viên của Khoa Quản lý bảo vệ biên giới trong sự vui mừng của bố và đồng đội. Thế nhưng, mong ước ấy của chàng học viên Đặng Văn Tuấn đã không bao giờ thành hiện thực. Năm 2002, bố anh mất khi đang là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Thơm, BĐBP Điện Biên. Đó là cú sốc tinh thần đối với gia đình anh. Thế nhưng, có lẽ, hai năm trong quân ngũ khiến anh trưởng thành hơn rất nhiều. Anh đã tự nói với bản thân, mình phải thay bố gánh vác gia đình này. Anh học chăm hơn, rèn luyện bản thân mình nghiêm túc hơn. Mặc dù có người yêu nơi quê nhà, nhưng nghĩ tới bố, anh đã đặt bút ghi duy nhất 2 chữ “Điện Biên” vào tờ đơn nguyện vọng nơi công tác khi ra trường.

Viết tiếp bài ca nơi biên cương

Lên biên giới, thực tế không khác với những tưởng tượng của chàng sĩ quan trẻ. Đường vào chỉ một phần ô tô, còn đâu cứ đôi chân mà đi. Thế nhưng, chàng sĩ quan trẻ luôn tìm ra được niềm vui, động lực để công tác tốt hơn. Những lúc rảnh rỗi, anh nhớ lại những tâm sự của bố về những trăn trở, làm thế nào để đồng bào Mông không còn di cư tự do? Làm thế nào để cuộc sống của đồng bào Mông, Hà Nhì ngày càng tốt hơn và cả làm thế nào để đời sống tinh thần, vật chất của bộ đội được đảm bảo để gắn bó với đơn vị, với biên cương? Nếu giải quyết được những chuyện đó, thì công cuộc quản lý, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia sẽ dễ dàng hơn, bởi nó được xây bằng ý chí của người lính cùng với sức mạnh của lòng dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đến nay, Trung tá Đặng Văn Tuấn đã trải qua công tác tại các Đồn Biên phòng Mường Mươn, Leng Su Sìn, Nậm Kè, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang và Đồn Biên phòng A Pa Chải. Có thể thấy, đa số các đơn vị anh công tác đều xa xôi, vất vả, khó khăn, thế nhưng dù ở đâu, với cương vị nào, anh cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồn Biên phòng A Pa Chải có một vị trí vô cùng đặc biệt. Là đơn vị xa xôi nhất của tỉnh Điện Biên, vừa quản lý địa bàn có đường biên giới chung với Trung Quốc, vừa có đường biên giới chung với nước bạn Lào. Nơi đây cũng có mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh núi Khoang La San ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Những năm trở lại đây, nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao tới thăm, làm việc cũng như thu hút rất nhiều khách tham quan, du lịch. Trung tá Đặng Văn Tuấn chỉ đạo tập trung xây dựng cảnh quan đơn vị xanh - sạch - đẹp, cùng với việc đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho bộ đội. Việc xây dựng cảnh quan cũng là một cách để cán bộ, chiến sĩ gắn bó với đơn vị.

Bên cạnh việc lãnh đạo, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Trung tá Đặng Văn Tuấn cũng vận động, kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm, làm nhà, tặng cây, con giống cho đồng bào phát triển kinh tế; kết nối để hỗ trợ các nhà trường, các cháu học sinh. Trung tá Đặng Văn Tuấn làm bằng trách nhiệm của một người lính và đó là cách anh hoàn thành những tâm nguyện còn dang dở của cha.

Ông Lỳ Tấn Phù (bản A Pa Chải) luôn tự hào với mọi người vì mình có “con nuôi” là Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải. Ngày nghỉ rảnh rỗi, “con nuôi” lại xuống giúp ông sửa hàng rào hoặc bàn chuyện mua thêm lợn giống về thả, hay chuyện làm thế nào để phát triển đội ngũ đảng viên trẻ. Ông Lỳ Tấn Phù bảo, ở Sín Thầu này, người ta vẫn kể cho nhau câu chuyện về người lính Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Thọ - người đã mang cây lúa nước để thay thế cây thuốc phiện, mang cái chữ để xây dựng niềm tin cho đồng bào Hà Nhì.

Đã hơn nửa thế kỷ, nhưng câu chuyện về “anh Thọ” nay vẫn mới nguyên bởi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải hôm nay vẫn tiếp tục là “anh Thọ”, lúc nào cũng sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn đồng bào trồng giống ngô lai cho năng suất cao, nuôi các loại cá trê, phi, chim trắng; trồng giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò; trồng khoai tây vụ đông trên diện tích cấy lúa một vụ; trồng chuối tiêu hồng, trồng cây keo và sa mu… Nhờ có những người lính Biên phòng mà biên cương đổi thay từng ngày.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-tiep-giac-mo-bien-cuong-con-dang-do-cua-cha-post459545.html