Viết tiếp khúc tráng ca hào hùng trên đỉnh Pò Hèn
Tôi trở lại Pò Hèn vào một ngày đầu tháng 10. Trời xanh trong, nắng trải vàng từng sợi. Chiều biên giới cuối thu với những hanh hao, sâu lắng. Nghe thoảng trong gió, mùi hương quế dìu dịu nhắc nhớ chuyện xưa, khe khẽ kể chuyện nay…
Pò Hèn - bài ca bất tử
Pò Hèn - địa danh đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường không khuất phục trước kẻ thù của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang 209 Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh) cùng công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc ngày 17/2/1979. Chiến tranh đã qua đi, giữa núi rừng Đông Bắc biếc xanh, biểu tượng Đài liệt sĩ Pò Hèn sừng sững, hiên ngang, khẳng định khí phách anh hùng, chiến công oanh liệt của những người đã nằm xuống, các anh chị đã hóa thân vào từng tấc đất biên cương để tiếp tục ru những bài ca bất tử về tình yêu Tổ quốc.
Khu di tích lịch sử Pò Hèn sau nhiều lần tôn tạo đã hoàn thiện với trên 86.000m2, bao gồm: cổng chào, nhà khách, nhà Tam Bảo, khuôn viên sân rộng rãi và trung tâm là biểu tượng Ðài liệt sĩ (còn gọi là Đỉnh hương chính, Đài tưởng niệm) giữa những tán cây xanh lúc nào cũng lộng gió. Đài liệt sĩ Pò Hèn cao 16,6m, được làm bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng 3 bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho 3 dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, cùng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của biên cương đất nước, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên thùy.
Hai bên Đài liệt sĩ là 2 tấm bia bằng đá xanh. Tấm bia thứ nhất khắc tên 45 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ năm 1980-1991, cùng 28 liệt sĩ (trong đó có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường) cùng hy sinh ngày 17/2/1979. Dù không phải là những người lính, nhưng các công nhân lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã anh dũng cầm súng đứng lên, lấy máu xương của mình giăng lũy giăng thành ngăn chặn kẻ thù, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia. Những nén hương xòe đều sau làn khói mờ ảo giống như một bình hoa đặc biệt đang bung nở dâng lên các anh chị với tất cả niềm thành kính.
Ngày 20/9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2288/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích Quốc gia Khu Di tích lịch sử Pò Hèn. Nơi đây ngày nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc. Hằng năm, có hàng nghìn đoàn khách, đoàn học sinh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Pò Hèn. Câu chuyện về các anh chị chính là khúc tráng ca nơi biên giới, là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, là sự biết ơn, là sự tiếp nối thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện lời Bác dạy
Cách Khu di tích lịch sử Pò Hèn khoảng 2km, Đồn Biên phòng Pò Hèn ở vị trí riêng biệt, xung quanh là đồi núi, cỏ cây. Khuôn viên đơn vị có sở chỉ huy, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ, hội trường, phòng Hồ Chí Minh, nhà bếp, nhà kho, phòng trực ban, nhà khách, bốt gác, kho quân khí và hầm hào công sự… Phía trước hội trường với khu vực tràn thoát nước phủ đầy sắc tím khi hoa súng đang độ vào mùa nở rộ. Khu vực trung tâm đơn vị với cây cỏ được bài trí, chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận. Trong hội trường, góc đọc sách thật sự ngăn nắp, bàn ghế sáng bóng, sạch sẽ. Tất cả đều cho thấy sự trang bị đủ đầy về cơ sở vật chất, sự tỉ mỉ, quy củ, sự sắp xếp khoa học và bàn tay khéo léo của con người.
Đồn Biên phòng Pò Hèn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới với đoạn biên giới dài 12,006km, gồm 11 mốc quốc giới từ mốc 1346(1)-600m đến mốc 1352(2)+50m; chiều sâu phạm vi địa giới hành chính xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) gồm 3 thôn: Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún với trên 86% là dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy Ðồn Biên phòng Pò Hèn, cán bộ, chiến sĩ và trực tiếp là các đảng viên của đơn vị đã có nhiều đóng góp trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương, tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ biên giới, xây dựng đơn vị với các chủ đề năm, đặc biệt là phong trào thi đua Quyết thắng.
“Đoàn kết, cảnh giác/Liêm chính, kiệm cần/Hoàn thành nhiệm vụ/Khắc phục khó khăn/Dũng cảm trước địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân” là lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tại buổi lễ thành lập lực lượng (tháng 3/1959). Bác còn nói: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là Công an, Biên phòng ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu…”.
Đến với Đồn Biên phòng Pò Hèn, tôi nhận ra đây chính là một minh chứng sinh động, rõ nét cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết: Thời gian qua, đơn vị luôn chủ động triển khai các biện pháp quản lý, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn đứng chân; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm; tăng cường hoạt động đối ngoại biên phòng, xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân vùng biên hai nước.
Đi vào tìm hiểu thực tế công tác, đến thăm các chốt, tôi càng thấy được tinh thần nghiêm túc của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, nhất là trong những thời điểm khắc nghiệt theo mùa. Trực chốt 24/24, kiểm soát đường mòn lối mở, tuần tra các khu vực được phân công cũng như các nhiệm vụ đột xuất. Các hình ảnh được đơn vị giới thiệu đã thể hiện sự tích cực của cán bộ, chiến sĩ trong công tác tuyên truyền, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cư dân hai bên biên giới.
Các hoạt động “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản”, “Tháng Ba biên giới”, “Hoa sim biên giới”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân”; chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” như một nét sinh hoạt ấm cúng, gần gũi trong một gia đình lớn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Cùng đó, đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã Hải Sơn luôn dành sự quan tâm, động viên đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ cho nhân dân và tặng đồ dùng học tập cho các cháu học sinh vào đầu năm học. Đây là những việc làm ý nghĩa không chỉ khắc sâu tình quân dân “như cá với nước”, mà còn nhằm động viên, khích lệ quần chúng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức lao động chỉnh trang cảnh quan, chăm chút môi trường khu di tích. Những hoạt động ấy đã góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống, lan tỏa những giá trị tích cực về lòng biết ơn và mong muốn cống hiến của thế hệ trẻ. Chính bởi lẽ đó, ngay từ khi bước chân đến cổng chào, ta sẽ cảm nhận được sự đón tiếp và phục vụ chu đáo, an toàn, được nghe những lời giới thiệu đầy trang nghiêm và xúc động, hòa lẫn trong mùi thơm hương quế và tiếng gió ngàn vi vút dưới vòm xanh.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” và thực hiện bốn cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã như những người thân trong mỗi gia đình của bà con nơi đây. Để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, đơn vị đã xây dựng các “vườn mẫu” bằng cách hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn ngày công lao động để cải tạo đất, cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc để xây dựng vườn cây ăn quả theo hướng chuyên canh, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Sự thay đổi tư duy về chuyển đổi cơ cấu sản xuất đối với đồng bào dân tộc ở xã Hải Sơn càng khẳng định sự tin yêu, sự gắn bó khăng khít của nhân dân địa phương đối với cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pò Hèn.
Năm 2022, Đồn Biên phòng Pò Hèn nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây chính là kết quả xứng đáng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy; sự bài bản, sáng tạo, nền nếp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.
5 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng
Binh nhất Lê Anh Tuấn, quê ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 3/2022, hiện là chiến sĩ Đội tham mưu hành chính, Đồn Biên phòng Pò Hèn chia sẻ: “Rời ghế nhà trường, rời vòng tay cha mẹ để bước vào môi trường quân đội, lúc đầu em cũng nhớ nhà và lo lắng, nhưng được sự động viên của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, các đồng chí, đồng đội, em đã dần thích nghi với nếp sống nơi đây. Em được chỉ dạy từ những điều bé nhỏ nhất để có cách sống gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, sạch sẽ, được rèn luyện từ lời ăn tiếng nói, tác phong theo đúng 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần. Em đã ngày càng hoàn thiện bản thân, định hướng cho mình phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không ngại khó khăn gian khổ, dám nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; tích cực trong học tập, tham gia các hoạt động tổ chức, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.”
Đi trên con đường bê tông khang trang do các chiến sĩ tự xây dựng, tiếp cận khu vực nhà ở của cán bộ, chiến sĩ, được vào bếp ăn thưởng thức những món đơn giản nhưng rất ngon miệng từ công thức chế biến của những thanh niên tuổi đời mười tám, đôi mươi - tôi tin những lời bộc bạch của Tuấn; chân thành như chính cách em lễ phép bưng chén nước mời khách. Vườn rau trải rộng, mướt xanh phong phú các loại khác nhau mà đơn vị ăn không xuể, những thành phẩm tăng gia sản xuất - phải chăng đó cũng chính là những bước tiến tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mới mẻ trong hành trình khởi đầu của các chiến sĩ? Môi trường quân đội và lòng yêu nước, yêu quê hương, gia đình, yêu lao động sẽ là điểm tựa cho các em có những bước đi vững chắc trong tương lai.
Để có được những thành quả trên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Pò Hèn luôn coi việc giáo dục cán bộ, chiến sĩ cũng như tuyên truyền trong nhân dân về giá trị Khu Di tích lịch sử Pò Hèn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Từ công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên, từ việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đơn vị luôn thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, vất vả do thời tiết khắc nghiệt. Công trình “Vườn cây thanh niên” của Chi đoàn Đồn Biên phòng Pò Hèn chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là kết quả cụ thể của ý thức tự giác và tinh thần rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị.
Trung tá Nguyễn Quốc Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện tốt Chỉ thị 79 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đồng thời, chúng tôi tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, vai trò của cán bộ, đảng viên phụ trách các hộ qua đình, tham gia sinh hoạt thôn bản… Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.”
Viết tiếp những chiến công, những năm qua, Đồn Biên phòng Pò Hèn liên tục được đón nhận nhiều Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, trong các phong trào thi đua…
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay (tháng 10/2023), Đồn Biên phòng Pò Hèn 5 năm liền được đạt danh hiệu Quyết thắng - hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu biểu trong phong trào thi đua, khen thưởng.
Đến với Pò Hèn, dẫu không phải là đầu tiên, nhưng lần nào cũng vậy, tôi vẫn vẹn nguyên và đủ đầy cảm xúc. Từ sâu thẳm lòng biết ơn, ta sẽ trân trọng hơn những hy sinh, cống hiến, sẽ thêm yêu từng tấc đất quê hương. Tôi phấn khởi trước bộ mặt nông thôn biên giới Hải Sơn đang từng ngày khởi sắc, cảm nhận được sự thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ theo chiều dài biên giới. Những đổi thay lớn lao đó mang đậm dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh. Các anh vẫn mỗi ngày gửi lại những lo toan ở phía hậu phương, gác lại những bộn bề trong nỗi nhớ riêng tư khi lựa chọn cho mình lý tưởng sống cao đẹp vì sự bình yên của đất nước, vì những khoảng trời biên cương thắm xanh.
Rời chân đi, vẫn nghe thổn thức trong ánh mắt người lính già rưng rưng câu chuyện kể, vẫn hình dung những bước chân tuần tra tìm hơi ấm đồng đội bên ngọn lửa giữa giá rét đêm đông. Vẫn là những cống hiến, hy sinh, vẫn là khúc ca bất tử của niềm tự hào, biết ơn, của tình yêu Tổ quốc, của những nẻo đường biên giới nối dài luôn rạng rỡ ánh bình minh!
Các anh, các chị ơi
Chúng em sẽ biết ơn mãi thôi
Khắc ghi trong tim những hy sinh của anh, của chị
Sự hy sinh của tình yêu, tuổi trẻ
Của những cuộc đời về đất vẫn biếc xanh
Để chúng em hôm nay - hát tiếp khúc quân hành…