Viết tiếp những câu chuyện cảm động giữa thời bình
Trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa mang trên mình vết thương của một thời đạn bom khói lửa. Năm tháng đi qua, vượt lên trên nỗi đau về thể xác, trong ánh mắt họ vẫn toát lên niềm tin vào cuộc sống bởi đằng sau họ luôn có bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ tần tảo sớm khuya.
Chị Nguyễn Thị Chung chăm sóc cho chồng là thương binh hạng 3/4 Lê Văn Mốp, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc (Lang Chánh).
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, thương binh hạng 3/4 Lê Văn Mốp, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc (Lang Chánh) tâm sự về người vợ thân yêu của mình trong niềm xúc động với một sự biết ơn vô hạn. Trở về sau cuộc chiến tranh khi gửi lại chiến trường một phần cơ thể, nỗi đau về thể xác cùng với sự mặc cảm đã có lúc anh tưởng hạnh phúc sẽ vĩnh viễn không đến được với mình. Cùng sinh ra ở vùng quê chiêm trũng với anh Mốp, chị Nguyễn Thị Chung đã cảm thông với hoàn cảnh, sự chân tình của anh thương binh Lê Văn Mốp, bỏ qua mọi rào cản từ phía người thân, bạn bè, quyết định đến với anh dù biết rằng phía trước mình là chặng đường gian nan, vất vả. Là thương binh nặng lại bị cụt chân, việc sinh hoạt hàng ngày của anh Mốp rất khó khăn, vì thế gánh nặng lại càng đè lên đôi vai chị. Tần tảo nuôi chồng và 3 đứa con thơ, người phụ nữ ấy đã có lúc phải gồng mình vượt lên số phận.
Yêu chồng, thương con, chị đã không quản nắng mưa, bươn chải cuộc sống, lăn lộn đủ nghề để lo cho chồng con được ấm no, đầy đủ. Những lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát, chị lại là người chăm sóc, động viên, an ủi, là điểm tựa tinh thần giúp anh chiến thắng bệnh tật. Anh Mốp sẽ không bao giờ quên hình ảnh chị cõng anh ròng rã suốt mấy tháng trời khi anh phải nằm trong bệnh viện để điều trị vết thương. Nhìn dáng người mảnh dẻ của người phụ nữ này ít ai có thể nghĩ được rằng đằng sau đó là một nghị lực phi thường. Có những lúc chị tưởng mình gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống. Thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn không một lời than vãn, ngược lại chị còn cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến những đứa con của mình ngày càng khôn lớn, trưởng thành. Sau hơn 40 năm chung sống, nhưng mỗi lần nhắc về chị, ánh mắt người thương binh này vẫn luôn xúc động và tự hào.
“Ngay từ khi quen nhau, tôi đã sẵn sàng làm đôi nạng cho ông ấy dựa đến cuối đời”. Đó là trải lòng của bà Dương Thị Hạnh, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa - vợ của thương binh 1/4 Ngọ Duy Khanh. Suốt 43 năm qua, bà Hạnh không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần mà còn đảm nhận vai trò một điều dưỡng viên tại nhà trong chăm sóc chồng là thương binh nặng, mất hơn 95% sức khỏe. Vài phút một lần, bà lại phải giúp ông lật người để đỡ tê mỏi. Chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng nhưng với bà Hạnh, tình yêu vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu.
Bà Hạnh trải lòng: “Lúc tôi gặp ông ấy đã biết ông ấy là thương binh nặng, qua nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện, tôi thấy đây là một người đàn ông xứng đáng để nhận được tình yêu thương, chăm sóc. Từ đó, tôi đã nguyện sẽ lấy người này làm chồng... Cuộc hôn nhân của chúng tôi gặp nhiều rào cản từ gia đình và bạn bè, người thân. Dù vậy, sau nhiều lần thuyết phục và quyết tâm thì gia đình, bạn bè hai bên cũng chúc phúc cho chúng tôi”.
Nhắc đến “hậu phương” của mình, thương binh Ngọ Duy Khanh xúc động: “Ngày đó bà ấy phải cứng rắn lắm mới dám ghé vai gánh vác cùng tôi. Hơn 43 năm nên nghĩa vợ chồng, bà ấy đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho tôi”. Từng ấy năm chung sống, chưa từng một lần bà Hạnh nề hà hay phàn nàn về công việc chăm sóc cho chồng. Từ xoa bóp tay chân đến lo bữa cơm, giặt giũ quần áo rồi lớn hơn là xoay xở kinh tế gia đình, sửa sang nhà cửa đều một tay bà cáng đáng. Dù vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, lạc quan vì cảm thấy chồng mình còn may mắn hơn so với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. “Tuy cuộc sống có vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Tôi thương ông ấy bởi sự chất phác, hiền lành, vì những hy sinh mất mát mà cuộc đời ông ấy đã trải qua” - bà Hạnh trải lòng.
Tổ quốc ghi công của những người anh hùng, những thương binh, bệnh binh và cũng biết ơn những người vợ thương binh nặng đã và đang yêu thương, chăm sóc những người chồng đã vì Tổ quốc mà hy sinh, cống hiến. Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn người vợ thương binh, bệnh binh đã và đang từng ngày từng giờ vượt qua khó khăn để vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là sự đảm đang, tần tảo, đức hy sinh, lòng vị tha và nghị lực phi thường. Vẫn biết rằng, cuộc sống ở phía trước còn nhiều gian nan, song tất cả những gì các mẹ, các chị tạo dựng hôm nay như một sự tri ân đối với người chồng thân yêu của mình đã hiến dâng tuổi đời và máu, xương vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chính tình yêu thương đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh để viết tiếp nên những câu chuyện cảm động giữa thời bình.