Viết tiếp những giấc mơ thơ bé
Với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, không gian thanh bình, yên ả của làng quê tựa như xứ sở thần tiên. Ở đó, chúng học thêm bao điều hay, để cả tâm trí và trái tim đều rộng mở.
Trong các nhà văn thuộc thế hệ 8X, Văn Thành Lê là cây bút khá sôi nổi. Không chỉ xuất hiện một cách đều đặn trên văn đàn, anh còn có các sáng tác khá đa dạng. Trong đó, viết cho bạn đọc nhí, luôn là mảng đề tài mà nhà văn này dành sự quan tâm đặc biệt.
Nhắc tới các sáng tác dành cho thiếu nhi của Văn Thành Lê, phải kể ngay đến Trên đồi, mở mắt và mơ. Dõi theo câu chuyện của cậu bé Thành và những ngày tháng về quê nghỉ hè cùng ông bà nội. Với giọng kể hồn nhiên, pha chút lý lắc, của tác giả, cả một khung trời thơ mộng bỗng hiện ra trước mắt các độc giả nhỏ tuổi.
Một mùa hè nữa lại tới, cậu bé Thành lại được về quê để ở cùng ông bà. Mùa hè năm nay có gì thú vị? Tất cả câu chuyện tinh khôi và ấm áp của tuổi nhỏ lại được nhà văn Văn Thành Lê kể một cách đầy say mê trong Bên suối, bịt tai nghe gió.
Xin chào, quê nội!
Năm nay, Thành sẽ không về nghỉ hè một mình. Bé Bống, cô em gái nhỏ dễ thương của cậu sẽ cùng anh trai về quê với ông bà. Trước khi đi, bố mẹ đã dặn dò Thành rất kỹ: Về quê, ngoài việc giúp đỡ ông bà, cậu bé còn phải trông chừng cô em gái. Cậu nhóc vừa mới học hết lớp bốn dần ý thức được trách nhiệm cao cả của người làm anh.
Sống ở thành phố, bạn của đám trẻ ngoài đồ chơi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn những thiết bị điện tử vô hồn. Nhưng ở quê thì khác, chú lợn hồng hào đáng yêu, con gà nhiếp ồn ã, hay cây mít lá xanh thâm thẫm ở ngoài vườn đều có thể mang lại niềm vui cho lũ nhóc.
Về quê, vui nhất là được nô đùa với đám bạn cùng tuổi. Cả năm mới gặp nhau một, hai bận; thế mà đám thằng Lê, thằng Văn, cái Tuyết và cái Điệp đã nhanh chóng thân thiết với hai anh em Thành. Lũ trẻ cứ thế bày ra đủ trò vui. Ở quê, cái gì cũng mới mẻ và lạ lẫm với anh em Thành. Nhờ có chúng bạn, hai đứa trẻ thành phố hòa nhập rất nhanh với môi trường mới.
Làng quê không yên tĩnh
Bên cạnh những ngày tháng nói cười vô tư cùng chúng bạn, mùa hè năm nay thấp thoáng những nổi buồn. Với anh em Thành, quê nội vốn là chốn thanh bình, yên ả. Thế nhưng, sự tĩnh lặng vốn có của nơi đây đã bị đánh cắp. Máy móc khai thác quặng chạy ầm ầm suốt ngày đêm.
Người lớn bắt đầu lo lắng, còn đám trẻ vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thành và các bạn lật đật tra từ điển, lần đầu tiên, lũ trẻ hiểu thế nào là ô nhiễm. Mai đây, quê hương của chúng sẽ mất đi vẻ xinh đẹp vốn có.
Bỗng chốc, một làn gió mới, đầy náo nhiệt ào tới nơi làng quê. Đoàn lô tô từ nơi xa về biểu diễn. Bao nhiêu trò tạp kỹ vui nhộn khiến lũ trẻ thích mê. Thành và các bạn còn được làm quen với Linh, một người bạn mới dễ mến và có phần già dặn hơn so với tuổi.
Nhờ những tháng ngày sống ở quê, anh em Thành học được bao nhiêu điều bổ ích. Cuộc sống đã dạy hai đứa trẻ biết bao bài học quý không có trong sách vở.
Tiếp nối, những dư âm trong trẻo của Trên đồi, mở mắt và mơ với Bên suối, bịt tai nghe gió Văn Thành Lê đã “diễn” rất tròn vai khi hóa thân thành một cậu bé thông minh và tình cảm. Lời thoại, cũng như cách kể chuyện của anh rất tự nhiên, gần gũi với trẻ nhỏ, không hề tạo cảm giác khiên cưỡng.
Đọc cuốn truyện nhỏ xinh của Văn Thành Lê, các độc giả nhỏ tuổi như được “du hành ngược thời gian” về một thời chưa xa. Khi ba mẹ các em còn là những đứa trẻ. Trẻ con khi ấy chẳng cần đến điện thoại thông minh hay trò chơi điện tử vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Thông qua những câu chuyện của Thành và chúng bạn, nhà văn cũng đã ý nhị bày tỏ với các bậc phụ huynh những nỗi lo của con trẻ thời hiện đại.
Tuy được sống trong một môi trường đủ đầy về vật chất, áp lực điểm số cùng sự kỳ vọng của cha mẹ đôi lúc làm cho các em thấy mệt mỏi. Hãy để những đứa bé được sống cuộc đời của trẻ con!
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-tiep-nhung-giac-mo-tho-be-post1159900.html