Viết tiếp những trang sử hào hùng

Là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng, Chợ Đồn là nơi từng được Bác Hồ, các cơ quan Trung ương Đảng lựa chọn là khu căn cứ hoạt động bí mật để lãnh đạo đất nước những năm tháng kháng chiến. Viết tiếp truyền thống quê hương cách mạng, huyện Chợ Đồn hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh tham quan di tích Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng hoạt động năm 1950.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh tham quan di tích Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng hoạt động năm 1950.

Nơi dấu chân Bác đi qua

Cách đây 77 năm, trên hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) đi Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo kháng chiến giành chính quyền năm 1945, Chợ Đồn đã vinh dự được Bác Hồ ghé thăm. Ở mỗi nơi đi qua, Bác đều trò chuyện, động viên cán bộ, Nhân dân đoàn kết, tin tưởng đi theo con đường cách mạng. Với tinh thần giác ngộ cách mạng sớm, người dân Chợ Đồn đã che chở, bảo vệ Bác và đoàn công tác an toàn. Những nơi Bác đến, dù cảnh quan, không gian đã có sự thay đổi song đều được lưu dấu lại bằng các công trình di tích lịch sử, như: Di tích lịch sử Tủm Tó, xã Bằng Lãng; di tích Bản Cài (xã Phương Viên); di tích nền nhà ông Tô Hữu Thơ (xã Bằng Phúc)… Di tích lịch sử Nà Pay, thôn Nà Kiến (xã Nghĩa Tá), là nơi mà Bác và đoàn công tác dừng chân 3 ngày do gặp mưa lũ không thể đi qua suối. Tại đây gia đình ông Ma Văn Thắng (tức Thái Bo) đã dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả đoàn, sau đó tiễn Bác lên đường. Phút chia tay cảm động, Bác cảm ơn gia đình, ôm các cháu bé vào lòng, dặn dò gia đình kiên quyết theo Ban Việt Minh để sớm giành chính quyền về tay Nhân dân…

Đến năm 1950, Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông, một lần nữa Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng lại chọn Chợ Đồn để làm nơi hoạt động kháng chiến. Những nơi Bác từng ở và làm việc như Bản Ca (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng), Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), nơi đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc đều là di tích lịch sử quan trọng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đưa ra những sách lược, chủ trương để lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi. Trải qua bao năm tháng, những di tích và giá trị lịch sử đó vẫn được đồng bào các dân tộc Chợ Đồn khắc ghi, trân trọng, tôn tạo và giữ gìn để những nơi này trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

Ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế

Chợ Đồn hôm nay đã có sự thay đổi lớn về diện mạo, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang đồng bộ, các công trình dân sinh được xây dựng kiên cố, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, ổn định an sinh xã hội.

Nhờ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của tỉnh, Chợ Đồn đã và đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch đúng hướng, trọng tâm là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên lâm nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Toàn huyện hiện có 13 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, lợi nhuận từ nguồn tài nguyên này đã đóng góp vào 80% nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Giá trị khai thác lâm sản đạt hơn 25 tỷ đồng mỗi năm. Bằng việc sử dụng hợp lý các nguồn vốn kết hợp tuyên truyền, mỗi năm huyện trồng mới được hàng nghìn héc-ta rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của toàn huyện lên trên 80%.

Với quỹ đất dồi dào, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, Chợ Đồn đã tập trung chỉ đạo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị. Nhờ vậy đến nay trên địa bàn huyện đã sản xuất được nhiều sản phẩm hàng hóa có thương hiệu như: Gạo Bao thai, chè Shan tuyết, hồng không hạt, chè hoa vàng, cam, quýt… trong đó có 23 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thị trấn Bằng Lũng - trung tâm chính trị, kinh tế của huyện Chợ Đồn đang phát triển từng ngày.

Thị trấn Bằng Lũng - trung tâm chính trị, kinh tế của huyện Chợ Đồn đang phát triển từng ngày.

Phát huy giá trị vùng an toàn khu gắn với các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, khai thác để trở thành ngành du lịch mũi nhọn là mục tiêu mà huyện Chợ Đồn đang hướng đến. Theo đó, huyện ưu tiên các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, tôn tạo các công trình di tích lịch sử; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào du lịch. Đến nay huyện đã xây dựng được khu chợ đêm, duy trì họp mỗi tháng 1 lần; có kế hoạch khai thác, nâng cấp một số điểm du lịch gắn với tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh tiềm năng nổi bật, hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cũng có bước tăng trưởng nhanh; các khu dân cư được hình thành, mở rộng; dịch vụ vận tải, các loại hình doanh nghiệp, HTX phát triển đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung. Trong giai đoạn 2021-2030, huyện Chợ Đồn tiếp tục tạo mọi cơ chế, chính sách thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến sâu, phấn đấu có 50 mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch với diện tích lên đến 3.000ha, tạo cú hích thúc đẩy kinh tế phát triển.

Những thành tựu đạt được là niềm cổ vũ, khích lệ tinh thần lớn lao để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn tiếp tục nỗ lực, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202209/viet-tiep-nhung-trang-su-hao-hung-36326fd/