Viết tiếp những ước mơ
Tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình 'Nâng bước em đến trường', tháng 9-2019, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang triển khai thực hiện mô hình 'Con nuôi biên phòng'.
Thông qua mô hình, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ được BĐBP tỉnh An Giang nhận nuôi không những được tạo điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn mà còn mở ra cơ hội mới trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Đến thăm nơi ở mới của em Nguyễn Văn Duy Chương ở Đồn Biên phòng Lạc Quới (BĐBP tỉnh An Giang), bà ngoại của Chương là bà Trần Thị Nhứt rất vui, bởi với bà, Đồn Biên phòng Lạc Quới là chiếc “phao cứu sinh” để hai bà cháu bám vào trong lúc cuộc sống đang rất khó khăn. Bà Nhứt bộc bạch: “Tôi cũng không muốn xa cháu nhưng nếu ở với mình, nó sẽ rất khổ. Nhiều lúc nhìn cháu đến trường không có bộ quần áo mới, bữa cơm không có gì ăn, mình lại ứa nước mắt”.
Cha, mẹ mất sớm, từ nhỏ Chương sống cùng với bà ngoại. Biết cháu ham học và cũng muốn cháu mình có kiến thức để sau này không nghèo khổ, bà ngoại Duy Chương phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Riêng Chương, dù mới học lớp một, nhưng hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, em phụ bà những công việc khá nặng nhọc trong gia đình… Thượng tá Nguyễn Nghĩa Thánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạc Quới cho biết: “Chương được đồn biên phòng nhận nuôi hơn một tháng nay. Ngoài bảo đảm ăn ở, chi phí sinh hoạt, học tập, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn mở sổ tiết kiệm, mỗi tháng tiết kiệm 1,1 triệu đồng sẽ trao tặng Chương khi đủ 18 tuổi làm vốn tiếp tục học tập hoặc lập nghiệp. Cùng với đó, từ mô hình “Hũ gạo tình thương”, đơn vị hỗ trợ bà ngoại của Duy Chương mỗi tháng 10kg gạo và thực phẩm tươi”.
Còn tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên, em Thạch Cô, sinh năm 2009, dân tộc Khmer, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học thị trấn Tịnh Biên cũng dần quen với nhịp sống trong “Ngôi nhà mới” nơi có những “cha nuôi” mang quân hàm xanh luôn tận tình yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ tới đưa đón đến trường và kèm cặp học bài. Đại úy Huỳnh Hữu Hòa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên chia sẻ: “Bộ phận nuôi quân của đồn luôn nấu những món ăn bổ dưỡng, phù hợp với Thạch Cô. Đơn vị cũng đã chọn cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu sư phạm, có kiến thức kèm cặp cháu trong học tập. Cán bộ đơn vị đưa cháu đi học cũng thường xuyên gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm để nắm kết quả học tập và trao đổi phương pháp giúp cháu tiến bộ”.
Rời vòng tay gia đình, người thân để chuyển đến nơi ở mới là điều không hề dễ dàng với các em nhỏ. Hiểu rõ điều đó nên nhiều ngày trước khi đón các cháu về ở cùng, cán bộ các đồn biên phòng thường xuống tận nhà phối hợp với gia đình làm công tác tuyên truyền, động viên. Nguyễn Hữu Duy, sinh năm 2005, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Khánh Bình, con nuôi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, bộc bạch: “Lúc mới về đơn vị, em hay nhớ nhà, nhưng nhờ các cha nuôi thường xuyên trò chuyện, động viên, cuối tuần còn chở em về thăm nhà, đến nay, em đã quen với cuộc sống mới”.
Ông Trần Thanh Nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện An Phú, chia sẻ: “Con nuôi biên phòng" là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang đậm dấu ấn của BĐBP. Xã Khánh Bình nói riêng, huyện An Phú nói chung, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên có em phải nghỉ học. Nhờ có BĐBP mà việc học tập của các em không bị gián đoạn. Thay mặt cho địa phương, nhà trường, gia đình, tôi bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí BĐBP”.
Theo Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang, thực hiện mô hình “Con nuôi biên phòng”, BĐBP tỉnh An Giang đã huy động nhiều nguồn lực và sự vào cuộc của các địa phương, các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn đơn vị có 5 đồn biên phòng nhận nuôi 5 cháu học sinh. Các đồn còn lại và các cơ quan, phân đội trực thuộc, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu ít nhất hai cháu; thủ trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP, mỗi đồng chí nhận đỡ đầu ít nhất một cháu, với số tiền hỗ trợ 200.000 đồng/cháu/tháng. Đại tá Phạm Văn Phong khẳng định: “Thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng thực hiện mô hình, mỗi đồn biên phòng sẽ nhận nuôi từ hai đến ba cháu. Trong đó, nhận nuôi các cháu người dân tộc Khmer, người dân tộc Chăm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa tại khu vực biên giới. Chúng tôi hy vọng, mô hình sẽ được lan tỏa trong xã hội, các em học sinh vùng biên sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái, giúp các em viết tiếp ước mơ của mình”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/viet-tiep-nhung-uoc-mo-612029