Viết tiếp những ước mơ dang dở

'Cháu mong bố sống lại, mong được nghe mẹ gọi điện thoại về nhà dù chỉ một lần... Đó là tâm sự của những đứa trẻ không may mắn có cha hoặc mẹ là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông mà các thành viên chương trình 'Nhân ái giao thông' từng gặp gỡ.

Tai nạn giao thông không chỉ khép lại tương lai của người bị nạn mà còn để lại nhiều hệ lụy đau lòng. Với mong muốn sẻ chia, giúp đỡ phần nào các nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, chương trình “Nhân ái giao thông” đã ra đời.

Sau hơn một năm, đã có hàng trăm trường hợp được giúp đỡ. Với gia đình và các nạn nhân, nó không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là món quà vô giá về tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho họ vượt qua khó khăn. Đặc biệt, từ câu chuyện của các gia đình nạn nhân đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông.

Thành viên chương trình “Nhân ái giao thông” thăm và động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.

Thành viên chương trình “Nhân ái giao thông” thăm và động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.

Tiếng nói của những người trong cuộc

Lúc chúng tôi đến, người đàn ông bước qua tuổi lục tuần, quần áo lấm đầy bụi bẩn mới về nhà. Nghe tiếng hắng giọng của ông, hai đứa cháu nội, một lớn, một nhỏ ùa ra đón... Ở tuổi hồn nhiên nhất nhưng hai cô bé Đỗ Thùy Linh và Đỗ Thị Luyến (ở thôn Dưỡng Thái Nam, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) dường như không có những nét vui tươi, hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Tai nạn giao thông đã khiến Linh mất cha khi cô bé chưa đầy 3 tuổi, còn Luyến thì lúc đó vẫn đang ở trong bụng mẹ. Trên đường đi làm về, bố của hai cháu Linh và Luyến đã bị một chiếc xe máy đi ngược chiều lấn làn đường, gây tai nạn tử vong.

Với các bậc sinh thành là ông Đỗ Văn Tích và vợ thì sự ra đi bất ngờ của cậu con trai chưa bao giờ có thể nguôi ngoai... Khi con trai vừa mất ít ngày thì con dâu ông bà phát hiện mang thai đứa con thứ hai. Đứa nhỏ được hơn 2 tuổi thì cô con dâu xin đi làm ăn xa rồi bỏ đi biền biệt. Một chiếc xe đạp cà tàng, ngày lại ngày, bà Tích lọc cọc đưa hai cháu đến trường mẫu giáo rồi lại đón về. Khổ nhất là lúc hai cháu đau ốm. Thấy cảnh ngộ của bà, nhiều người ái ngại hỏi thăm bố mẹ hai cháu, bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong lòng.

“Thương bố chúng nó bao nhiêu thì lại tội nghiệp hai đứa cháu bấy nhiêu. Có lúc tôi đi làm về, hai đứa mỗi đứa ngồi hai bên đùi không cho ăn cơm”, ông Tích chia sẻ. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hai cháu Linh và Luyến không phải đóng tiền học phí nhưng kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán nên lúc nào cũng trong cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai...

Vì thế, dù đã gần tuổi xưa nay hiếm, ông Tích vẫn phải ngày ngày cặm cụi làm thuê ở một xưởng bê tông, công việc vất vả so với cái tuổi ngoài 60 chỉ để kiếm thêm thu nhập, trang trải việc học hành của các cháu. Khi nhận được số tiền 15 triệu đồng từ chương trình “Nhân ái giao thông”, ông bà không tin đó là sự thật. “Đó là số tiền lớn nhất mà tôi đã từng có...”, vợ ông Tích chia sẻ. Số tiền này đã giúp họ chia sẻ phần nào những khó khăn trong cuộc sống.

Tiếng trẻ thơ nô đùa khiến căn nhà cấp bốn của ông Bùi Huy Tôn (ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) như rộn rã trở lại. Nỗi đau nào cũng dần nguôi ngoai nhưng cho đến bây giờ, ông Bùi Huy Tôn vẫn không thể quên được chuỗi ngày tăm tối đó.

“Số tiền của quỹ nhân ái không lớn nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Điều đó đã giúp tôi và gia đình một phần kinh phí để có thể cho đứa cháu côi cút được tiếp tục cắp sách đến trường”, ông Tôn chia sẻ trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Năm 2007, cậu con trai duy nhất của ông đột ngột ra đi sau vụ tai nạn giao thông, để lại cho ông và gia đình nỗi đau khôn xiết. Năm đó cháu nội ông là Bùi Thị Hồng Bảo mới được 2 tuổi. Trên đường đi làm về, chiếc xe của một đôi vợ chồng cắt ngang đầu chuyển hướng đã khiến con trai ông ra đi vĩnh viễn...

Khi nỗi đau này chưa kịp nguôi ngoai thì không lâu sau đó, cô con dâu của ông cũng mất đi trong một vụ tai nạn giao thông khác. Thời điểm đó, chính quyền địa phương có chủ trương thu hồi đất. Không có đất canh tác lại tuổi già, sức yếu, điều kiện kinh tế của gia đình ông vô cùng khó khăn.

“Mãi sau này, gia đình tôi mới làm được chế độ cho cháu, ban đầu là 270 nghìn đồng/tháng, đến thời điểm này là 450 nghìn đồng/tháng” ông Bùi Huy Tôn ngậm ngùi chia sẻ. 3 năm cùng lúc mất đi hai con, gia đình ông suy sụp nhưng nhìn giọt máu cuối cùng của đứa con trai để lại, ông và bà phải động viên nhau, vượt qua giai đoạn khủng hoảng cả về vật chất và tinh thần. “Cháu họ được mười thì cháu của mình cũng phải được bốn được năm” ông và bà tự động viên nhau.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương xử lý một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương xử lý một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5.

Ngày đó, gạo ăn hằng tháng hai cô con gái thay phiên nhau cung cấp cho bố mẹ nuôi các cháu, còn bà thì kiếm thêm bằng việc chạy chợ... Vất vả nhất là lúc cháu Bảo nhỏ dại, tối đến khóc đòi mẹ. Lớn hơn một chút, cháu bị ảnh hưởng tâm lý, việc học tập vì thế rất chật vật...

Khi tìm đến với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chương trình “Nhân ái giao thông” đã biết đến hoàn cảnh của gia đình ông Tôn. “Với chúng tôi, một đồng hỗ trợ cũng quý. Những đồng tiền nhận được, chúng tôi dè sẻn, kế hoạch chi tiêu cho cháu”, ông Tôn cho biết.

Từ tấm lòng của người cán bộ Công an nhân dân

Chương trình “Nhân ái giao thông” đến với Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương bắt nguồn từ một lần tham gia chương trình tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông.

Số phận, hoàn cảnh thương tâm của gia đình và nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông khiến người chỉ huy ấy day dứt và muốn xây dựng chương trình để chia sẻ, giúp đỡ phần nào cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn và cần có sức mạnh tập thể.

Vì thế, anh đã nghĩ đến việc huy động các doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm và các đơn vị truyền thông cùng vào cuộc. Với đồng thuận của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, chương trình truyền hình thực tế “Nhân ái giao thông” được Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phối hợp với Công ty TNHH Long Hải cùng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sản xuất. Số đầu tiên phát sóng vào 20h20 ngày 27-3-2018.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương đã cùng cán bộ Đài Truyền hình đến từng nhà gặp gỡ các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông là những người chấp hành đúng Luật giao thông và có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Sau 1 năm, chương trình “Nhân ái giao thông” đã thực hiện đúng tiêu chí là cầu nối từ tấm lòng hảo tâm, ý thức trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp đến với các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Trong quá trình thực hiện chương trình, có nhiều câu chuyện nhân văn mà Trung tá Nguyễn Đại Phong, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương và các biên tập viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương ấn tượng. Có thể kể đến như lần ghi hình tại nhà anh Vũ Văn Tuấn ở thôn An Lại, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ.

Tại đây, anh Tuấn đã chia sẻ với ê-kíp thực hiện chương trình những câu chuyện rất thật: “Tôi sống được là nhờ có anh công an giao thông đưa tôi đi cấp cứu và bảo lãnh chịu trách nhiệm để bệnh viện cấp cứu cho tôi khi người nhà chưa biết vì tôi bị hôn mê. Khi tỉnh lại, tôi được bác sĩ nói anh công an đó tên là Thắng ở thành phố Hải Dương. Gia đình sợ tôi sai, không dám lên nhận xe máy, anh ấy còn gọi điện thoại và động viên lên lấy xe máy về dùng. Anh ấy chẳng quen biết gì tôi mà đối với tôi như người thân. Tôi muốn cảm ơn anh Thắng”. (Đây là lời tâm sự của nhân vật chương trình “Nhân ái giao thông” số 76 phát sóng Thứ ba, ngày 18-12- 2018).

Đó còn là câu chuyện của gia đình chị Lê Thị Thu Phương ở thôn Văn Thọ, xã Đại Đức, huyện Kim Thành. Khi nghe điều ước của hai cháu nhỏ con chị Phương chờ đợi món quà là bộ búp bê và hai cái váy đẹp để mặc tết của bố cháu nhưng người bố đã ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn giao thông, đồng chí Nguyễn Đại Phong đã mua quà theo ước nguyện để tặng hai cháu...

Chương trình đã có sự đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Sau mỗi chương trình phát sóng, một lần nữa các khán giả của chương trình thấy rõ hệ lụy từ tai nạn giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng xã hội. Từ đó có ý thức xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông.

Qua thực tế chia sẻ và động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông cho thấy hầu hết người gây tai nạn chỉ giải quyết hậu quả trước mắt, ít có người cùng chia sẻ và hỗ trợ nạn nhân tai nạn về sau.

Nỗi đau do tai nạn giao thông luôn đau đớn. Cảnh cha mẹ khóc tiễn đưa con, cảnh vợ góa con côi... tất cả những hình ảnh đó muốn nhắc nhở mọi người cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời thôi thúc những người thực hiện chương trình với ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và lòng nhiệt tình cao nhất.

Sau một năm thực hiện, có thể khẳng định đây là chương trình truyền hình thực tế nhân đạo có tính nhân văn cao, mang đậm màu sắc giáo dục xây dựng văn hóa trong tham gia giao thông. Đồng thời, đây cũng là chương trình tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông hấp dẫn, sinh động. Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thực hiện chương trình “Nhân ái giao thông”.

Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/antgdb-568064/