Viết tiếp những ước mơ diệu kỳ

Tết Quý Mão này, cô bé - cậu bé Búp và Beo lần đầu tiên được tính thêm tuổi mới. Gia đình chị L.T.V, mẹ của 2 bé cũng đón Tết vui hơn bởi niềm vui được làm cha mẹ một cách trọn vẹn và đủ đầy.

Hơn 3 tháng trước, ngày 2 bé ra viện về nhà đã trở thành một sự kiện của y học Việt Nam trong năm 2022 bởi đây là lần đầu tiên các bác sĩ trong nước điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc thành công cặp song sinh nhẹ cân, non tháng... Trước đó cũng đã có hàng nghìn đứa trẻ sinh non tháng khác được trở về khỏe mạnh với gia đình bởi sự tận tình điều trị chăm sóc của các y, bác sĩ.

"Gia đình em cảm ơn y, bác sĩ nhiều lắm"

Anh N.V.H, bố của Búp và Beo kể, 2 bé đã biết hóng chuyện với bố mẹ và ông bà, đang tập lật - lẫy. Tuần trước, bố mẹ đưa Búp và Beo đi khám lại ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương - nơi các y, bác sĩ đã đón Búp và Beo chào đời khi 2 bé mới ở tuần thai thứ 25. Các bác sĩ cho biết, 2 bé phát triển đúng với độ tuổi của trẻ sơ sinh, tai và mắt không có di chứng. "Ngày đón con từ bệnh viện về cách đây vài tháng, gia đình em lo lắng cho Búp - bé gái lắm, may quá giờ các bác sĩ bảo con phát triển bình thường. Vợ chồng em yên tâm hơn hẳn... Chúng em cảm ơn các y bác sĩ nhiều lắm" - anh H. kể.

Mỗi ngày, mẹ của Búp và Beo cùng 2 bà nội và ngoại thay nhau trông, chăm bẵm 2 cục cưng của cả gia đình. Sự thay đổi, lớn lên mỗi ngày của 2 bé là niềm hạnh phúc nhất của gia đình anh H. Còn tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự "phổng phao" của 2 bé, bởi cách đây vài tháng tôi đã được chứng kiến một lễ chia tay ra viện tràn ngập những yêu thương và hy vọng. Đó là khi cặp song sinh non tháng được lần đầu về nhà mình cùng bố mẹ sau 5 tháng chào đời...

Hành trình để Búp và Beo từ lúc ra khỏi bụng mẹ ở tuần thai thứ 25, mỗi bé chỉ nặng vẻn vẹn 500gram cho đến khi rời Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi bé đều nặng hơn 3kg đã viết lên điều kỳ diệu cho y học của Việt Nam nói chung và chuyên ngành chăm sóc, điều trị trẻ sinh non nói riêng.

PGS.TS Trần Danh Cường cùng TS Lê Minh Trác và gia đình trong buổi lễ “chia tay” Beo và Búp về nhà. Ảnh: Thái Bình.

PGS.TS Trần Danh Cường cùng TS Lê Minh Trác và gia đình trong buổi lễ “chia tay” Beo và Búp về nhà. Ảnh: Thái Bình.

TS.BS. Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhớ lại, trước đó, giữa tháng 5/2022, sản phụ L.T.V ở Ứng Hòa (Hà Nội) đang theo dõi COVID-19 mang thai ở tuần thứ 25 trở dạ. 2 bé song sinh (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng mỗi bé 500gram.

Thời điểm đó, gia đình không hy vọng nhiều vào sự sống của các con... Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nỗ lực và quyết tâm giành lại sự sống cho 2 bé.

TS.BS. Lê Minh Trác cho biết, trong sản khoa những trường hợp trẻ cực kỳ non tháng là trẻ có cân nặng dưới 1.000gram và chào đời ở tuần thai dưới 28 tuần. Khi đó các cơ quan non yếu dễ tổn thương. Trẻ có các nguy cơ cơ bản như ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, hoại tử ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da... Nguy cơ muộn có thể gặp các bệnh lý như bong võng mạc do trẻ sinh non, dễ nhiễm trùng, tiểu đường, tăng huyết áp...

Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, 2 bé được hỗ trợ hô hấp bơm surfactant thở máy 43 ngày, thở oxy 30 ngày; nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp tiêu hóa phòng viêm ruột hoại tử; chống nhiễm khuẩn. "Nuôi tĩnh mạch, lấy ven là vô cùng khó khăn khi toàn bộ tay, chân trẻ không bằng ngón tay út của người lớn. Trong 6 ngày đầu 2 bé ăn được 1ml sữa/bữa, sau 2 tuần ăn được 6ml sữa /bữa, sau 23 ngày ăn được 10ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt"- TS. BS. Lê Minh Trác chia sẻ thêm.

Sau bao nỗ lực của các y bác sĩ, quá trình tăng trưởng của trẻ tiến bộ từng ngày, trẻ tăng 15%/cân nặng/tuần. Đến ngày rời bệnh viện về nhà với gia đình thân thương, bé gái đã nặng 3,1kg và bé trai nặng 3,6kg; đã tự thở khí trời, ăn sữa 600-700ml/ngày. Trẻ biết mỉm cười tự phát, thể hiện sự dễ chịu khi được massage. Qua đánh giá của các bác sĩ, 2 bé hoàn toàn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện bất thường gì. Tránh được những biến chứng gần của trẻ đẻ non. Các biến chứng về xơ phổi, mắt, biến chứng về tim mạch là khó có thể xảy ra. Các biến chứng khác cũng vậy...

Ngày chia tay 2 bé về với gia đình, bế từng đứa trẻ trao cho bố mẹ, PGS.TS. Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương xúc động rơi nước mắt. Người bác sĩ hơn 30 năm gắn bó với chuyên ngành sản phụ khoa chia sẻ với bố mẹ bé: "Các bác sĩ của bệnh viện đã làm nên điều kỳ diệu trong sản khoa là lần đầu tiên nuôi sống cặp song sinh chỉ nặng 500 gram, chào đời ở tuần thai thứ 25 từ cơ thể người mẹ mắc COVID-19. Cứ một sinh linh bé nhỏ khỏe mạnh, lớn lên là điều hạnh phúc nhất với các thầy thuốc...".

Bà và bố mẹ của Búp và Beo lúc đó đều vô cùng xúc động. Mẹ 2 bé đã khóc trong hạnh phúc bởi theo chị "Em và gia đình không thể tin nổi có điều kỳ diệu này đã dành cho 2 cháu và gia đình mình"...

Tỷ lệ cứu sống trẻ sơ sinh non tháng dưới 1.000 gram của Việt Nam tiệm cận thế giới

Trước đó, các thầy thuốc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã làm nên kỳ tích khi nuôi dưỡng và cứu sống thành công bé gái sinh non 27 tuần tuổi nặng chỉ vẻn vẹn 400gram. Đến thời điểm này, đây là bé sơ sinh nhẹ cân nhất được nuôi dưỡng và cứu sống tại Việt Nam.

TS.BS Lê Minh Trác kể lại, tại thời điểm sinh, bé Thái Thị A. nặng 400gram, chỉ nhỏ như một chiếc xi lanh 50ml, lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế. Ngay khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, tận dụng thời gian vàng cấp cứu bé, đặc biệt thực hiện chiến lược chống nhiễm trùng nhiều tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn cho bé.

Sau 3 tháng 9 ngày được các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TW chăm bẵm, theo dõi sát, em bé đã nặng 1800gram, tự thở khí trời. "Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần"- TS. Lê Minh Trác bày tỏ. Tết Nhâm Dần - năm đầu tiên A. có "tuổi", gia đình A. đã viết thư gửi lời cảm ơn Giám đốc Trần Danh Cường và ê-kíp các y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tận tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giành giật sự sống cho bé từ khi lọt lòng...

Từ khi sinh ra, ngoài thể trạng yếu, những đứa trẻ điều trị, chăm sóc tại trung tâm càng thiệt thòi khi thiếu đi sự chăm sóc, ẵm bồng, nâng nựng của cha mẹ, nên bàn tay yêu thương của các y, bác sĩ ở đây lại là hơi ấm đầu đời giúp các bé phát triển, đáp ứng tốt và sớm được đoàn tụ cùng gia đình...

Chăm sóc trẻ sinh non tại Trung Tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - BV Phụ sản TW. Ảnh: Trần Minh.

Chăm sóc trẻ sinh non tại Trung Tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - BV Phụ sản TW. Ảnh: Trần Minh.

Trẻ sinh non ngày càng nhiều. Mỗi năm, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh tiếp nhận và điều trị hàng nghìn em bé mới sinh. Trong đó, đa số là trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non tháng. Nhiều trường hợp có cân nặng dưới 1.500 gram, có tuổi thai dưới 30 tuần. Có những trẻ chỉ nặng 400gram, 500gram đến 600 gram.

Ngay khi các bé sơ sinh non nhẹ cân ra đời phải có ngay 1 bác sĩ đi kèm, trẻ phải được giữ ấm, chống nhiễm trùng, trong đó khâu chống nhiễm trùng là khâu then chốt trong quá trình điều trị. Các bác sĩ cũng phải đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ với một liều lượng rất đáng ngạc nhiên, 1ml sữa được cho ăn trong vòng 3 giờ. "Cứ tưởng tượng những em bé sơ sinh sinh non, đùi bé chỉ bằng ngón tay út thì nuôi dưỡng tĩnh mạch khó đến mức độ nào?"- TS.BS. Lê Minh Trác nói.

Để đạt được các thành công trên, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã ứng dụng thành công các kỹ thuật, biện pháp trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non tại Trung tâm như hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp: Thở máy, bơm sunfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da...

"Những cháu bé có cân nặng từ 1,5kg - 2,5kg, chúng tôi cứu sống đến 98%. Từ 1kg cho đến 1,5kg, hiện trung tâm cứu sống từ 87 - 93% (năm 2020). Còn với trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1kg thì trung tâm cứu sống khoảng 40%, tiệm cận gần như bằng của thế giới" - TS. Lê Minh Trác nói.

Giám đốc Trần Danh Cường chia sẻ, điều ông tự hào nhất là kỹ năng cùng chuyên môn chăm sóc trẻ non tháng cũng như trẻ bị bệnh lý của các y, bác sĩ tại Trung tâm là "đỉnh cao". Đây là điều rất mừng vì không chỉ giúp các gia đình hiếm muộn, khó khăn có thai, được làm bố mẹ, mà còn nuôi sống nhiều trường hợp khó, bệnh lý... "Họ đã làm được công việc ít người tưởng tượng được. Nếu như trước đây việc nuôi dưỡng bé sinh non 25 tuần và nặng 500gram có không ít khó khăn, nhưng hiện nay đã khác, chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật cao trong sản khoa. Điều này cũng khẳng định được chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam trong chăm sóc, nuôi sống trẻ sơ sinh cực kỳ non tháng, nhẹ cân" - PGS.TS. Trần Danh Cường nói.

Đằng sau những cánh cửa phòng bệnh của Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã lặng thầm lưu dấu bao nhiêu nụ cười và nước mắt, bao nhiêu giọt mồ hôi của các thầy thuốc. Hàng nghìn đứa trẻ hồi sinh ở đó - được sinh ra lần thứ hai bởi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những thiên thần áo trắng.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-tiep-nhung-uoc-mo-dieu-ky-169230113160057867.htm