Viết tiếp ước mơ cho học sinh nghèo

Mặc dù công việc bận rộn, nhưng ngày nào Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang cũng tận dụng thời gian rảnh cuối ngày làm việc để trò chuyện, chỉ bảo cậu 'con nuôi' Nguyễn Hữu Duy. Chính sự gần gũi, quan tâm của Thượng tá Linh cũng như cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây đã giúp Duy không còn cảm giác lạ lẫm ngay từ những ngày đầu được đón về ngôi nhà mới.

Hằng ngày, Thượng tá Nguyễn Hoài Linh đều dành thời gian rảnh để trò chuyện cùng Duy. Ảnh: Hồ Phúc

Hằng ngày, Thượng tá Nguyễn Hoài Linh đều dành thời gian rảnh để trò chuyện cùng Duy. Ảnh: Hồ Phúc

Đổi thay phận người

Rời vòng tay gia đình, người thân để chuyển đến nơi ở mới là điều không hề dễ dàng với Nguyễn Hữu Duy, sinh năm 2005, học sinh lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Hiểu rõ điều đó nên nhiều ngày trước khi đón Duy về sống tại đơn vị, cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đã không ít lần xuống tận nhà phối hợp với gia đình làm công tác tư tưởng cho cháu. Cùng với đó, chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cũng đã giao công việc cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ chăm sóc, đưa Duy đến trường và kèm cặp, dạy dỗ em học bài.

Thượng tá Nguyễn Hoài Linh chia sẻ: “Cháu Duy có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố mẹ mất sớm, ngay từ khi còn nhỏ, cháu được bà ngoại đón về nuôi dưỡng. Hiểu rõ hoàn cảnh đáng thương của cháu, anh em trong đơn vị luôn xác định tạo điều kiện tốt nhất để cháu phát triển cả về thể chất, tinh thần, nhân cách và năng lực học tập. Mới đầu, khi đón cháu về đơn vị, khó khăn lớn nhất là anh em không có kiến thức sư phạm nên việc dạy dỗ, kèm cặp Duy gặp ít nhiều khó khăn. Hằng ngày, tôi tận dụng thời gian rảnh, trò chuyện với cháu từ 10 đến 20 phút để nắm tình hình, nếu có gì khúc mắc thì kịp thời giải quyết. Từ đó, tạo cho cháu cảm giác thoải mái, gần gũi, không thấy xa lạ khi sống ở đây”.

Trung úy Hà Văn Tùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, người được giao nhiệm vụ chăm sóc Duy chia sẻ: “Những ngày đầu về sống tại đơn vị, cháu khá lạ lẫm với mọi thứ, anh em đã động viên rất nhiều. Cuối tuần, tận dụng thời gian rảnh, chúng tôi chở cháu về thăm bà ngoại. Hằng ngày, khi đơn vị báo thức sáng, tôi gọi Duy dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, ăn sáng và đưa đến trường học. Chiều đi học về, cháu cùng tăng gia sản xuất, chơi thể thao với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Tối đến, tôi hướng dẫn cháu học bài. Anh em ai cũng thương thằng bé như thương con mình ở nhà”.

Ngồi bên cạnh Trung úy Tùng, Duy bộc bạch: “Lúc mới về đây, con cũng nhớ nhà lắm, nhưng nhờ các chú thường xuyên trò chuyện, động viên, nhà bà ngoại con chỉ cách đồn 3 cây số nên cuối tuần, các chú còn chở con về thăm bà. Đến nay, con đã quen với cuộc sống mới, con thấy rất yêu môi trường quân đội, vì vậy, con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người lính Biên phòng giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như các chú giúp con bây giờ”.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Trong những năm qua, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay như: “Nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tình thương”, “Con nuôi đồn Biên phòng”... nhằm giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới được đến trường học tập.

Riêng đối với mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã chỉ đạo thực hiện thí điểm ở 5 đồn Biên phòng: Lạc Quới, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Phú Hữu, cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và cửa khẩu Long Bình. Các đơn vị đã nhận nuôi dưỡng 5 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đóng quân. Thông qua mô hình này đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: “Việc thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” được cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị tích cực hưởng ứng và chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình này tại tất cả các đồn Biên phòng. Chúng tôi hy vọng, mô hình sẽ được lan tỏa trong xã hội, để các em học sinh nghèo đón nhận được nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái, giúp các em thực hiện ước mơ cắp sách đến trường”.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-tiep-uoc-mo-cho-hoc-sinh-ngheo-post429583.html