Viết tiếp ước mơ từ mái ấm bình yên

Bước qua đau thương, những trẻ em ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã và đang bắt đầu cuộc sống mới dưới một mái ấm mới. Từ mái ấm bình yên này, những ước mơ của các em tiếp tục được dưỡng nuôi, chắp cánh..

18 giờ mà trời mùa đông đã tối mịt. Ở một dãy nhà sáng ánh điện của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những bạn nhỏ vui vẻ trò chuyện với nhau bên bàn ăn sau một ngày học tập. Tại đây, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những nhân vật đặc biệt, dù rơi vào hoàn cảnh éo le nhưng các em chưa khi nào vơi nghị lực, niềm tin để nuôi dưỡng ước mơ đẹp tươi, trong sáng.

Bên bàn ăn, hai bạn nhỏ có khuôn mặt hao hao, ngồi cười nói, trò chuyện về trường lớp, đó là em Ly Xuyến Thoàn, 16 tuổi cùng em gái Ly Xuyến Vân, 13 tuổi. Thoạt nhìn, suất ăn của cặp chị em cũng không khác suất ăn của các bạn ở trung tâm nhưng thực tế các món được chế biến nhạt hơn bởi hai chị em đều đang mắc bệnh thận, một người bị suy thận mạn tính, một người suy thận cấp tính, cả hai từng có thời điểm cận kề cái chết.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trò chuyện, động viên hai chị em Ly Xuyến Thoàn và Ly Xuyến Vân.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trò chuyện, động viên hai chị em Ly Xuyến Thoàn và Ly Xuyến Vân.

Ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đến nay được 3 năm nhưng cặp chị em này mỗi người đều có 2 lần phải cấp cứu ở bệnh viện. Chỉ vài tháng sau khi về trung tâm, Ly Xuyến Thoàn có biểu hiện sức khỏe kém, thường xuyên sốt, nôn, cơ thể suy nhược. Tình trạng bệnh của em rất nặng, được cán bộ trung tâm đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh, qua xét nghiệm, kiểm tra, em lập tức được chỉ định chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi trung ương để kịp thời chạy thận. Thoàn phải trải qua hàng chục ngày nằm điều trị để giành mạng sống trong cơn bạo bệnh. Thử thách liên tục ập đến với cặp chị em này vì chỉ 1 năm sau, em gái Ly Xuyến Vân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Những chuyến xe cấp cứu chạy từ Lào Cai về Hà Nội, những lần chạy thận có khi chục ngày, có khi nửa tháng trở thành ký ức ám ảnh của các em và cán bộ trung tâm theo sát các em không rời.

Chậm rãi, nhút nhát chia sẻ về câu chuyện của mình, Ly Xuyến Thoàn kể rằng hai chị em là dân tộc Phù Lá, thuộc diện hộ nghèo ở thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà. Bố các em mất sớm, một mình mẹ tảo tần chăm sóc nuôi 4 người con ăn học được vài năm thì cũng qua đời để lại các con bơ vơ. Hai chị gái đầu, một người đã lấy chồng, một người đi làm nhưng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên năm 2019, Thoàn và Vân được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Rời xa quê hương, không có hơi ấm tình thân, những đứa trẻ non nớt tránh sao được sự sợ hãi, lo lắng và những đêm khó ngủ. Vậy nhưng dần dần, theo thời gian, nhận được sự quan tâm của cán bộ ở trung tâm, được chia sẻ với các bạn có cùng hoàn cảnh, cặp chị em người Phù Lá bắt đầu cởi mở hơn, làm quen với cuộc sống mới. Đặc biệt, trong hành trình điều trị bệnh của các em, trên chuyến xe cấp cứu luôn có những “người cha”, “người mẹ” đặc biệt ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Sự quan tâm, hơi ấm từ mái nhà thứ hai đã giúp tuổi thơ của các em được trở lại theo cách bình yên, bớt đi muộn phiền, tiếp tục nuôi những ước mơ. Ly Xuyến Vân tâm sự: Em mơ ước lớn lên trở thành bác sỹ để cứu giúp người bệnh, như cách mà các bác sỹ đã cứu giúp hai chị em.

Cán bộ trung tâm theo sát, hướng dẫn các em trong giờ tự học.

Cán bộ trung tâm theo sát, hướng dẫn các em trong giờ tự học.

Bữa ăn tối của các em nhỏ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Bữa ăn tối của các em nhỏ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 59 trẻ, trong đó có 8 cặp là anh, chị em trong nhà. Phía sau nụ cười của mỗi đứa trẻ hôm nay là những câu chuyện xót xa, sự tủi thân, thiếu thốn trong một phần tuổi thơ của mình. Câu chuyện của anh em Thào A Quang (sinh năm 2005) và em gái Thào Thị Dâu (sinh năm 2007), dân tộc Mông là một trong số đó.

Nhà hai em vốn ở xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tuổi thơ các em phải trải qua không chỉ là cảnh đói nghèo bủa vây mà còn là nỗi đau tinh thần. Bố mất khi Quang đang học lớp 2, đến năm em lên lớp 5, mẹ cũng khuất núi để lại 3 anh em nương tựa vào nhau. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, một năm sau ngày mẹ mất, năm 2016, hai anh em Quang và Dâu được nhận về Trung tâm, hiện Quang đang học lớp 11, còn Dâu học lớp 8. Dù hoàn cảnh cuộc sống đặt ra nhiều thử thách ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi, nhưng chưa khi nào các em ngừng nỗ lực, cố gắng, hướng đến tương lai tươi sáng.

Thào Thị Dâu (phải ảnh) đã bớt nhút nhát, biết chia sẻ với bạn bè.

Thào Thị Dâu (phải ảnh) đã bớt nhút nhát, biết chia sẻ với bạn bè.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Quang nói rằng em mong ước sau này có một việc làm ổn định, có thể nuôi được bản thân và là chỗ dựa của em gái. Còn cô bé Thào Thị Dâu mong trở thành cô giáo mầm non ở nơi em sinh ra. Những ước mơ nhỏ bé, giản đơn và đầy sáng trong đó vẫn đang được các em nuôi dưỡng, đắp bồi từng ngày.

Trải qua nhiều khó khăn, Thào Thị Dâu đã học được thói quen và ý thức tự lập.

Trải qua nhiều khó khăn, Thào Thị Dâu đã học được thói quen và ý thức tự lập.

Bước qua đau thương, những trẻ em ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã và đang bắt đầu cuộc sống mới dưới một mái ấm mới. Hằng ngày, ngoài những buổi đi học trên lớp, khi trở về ngôi nhà thứ hai, các em chia sẻ với nhau về những điều được học, những chuyện được nghe, được những “người cha”, “người mẹ” nơi đây tư vấn, quan tâm và giúp đỡ. Từ mái ấm bình yên này, những ước mơ của các em tiếp tục được dưỡng nuôi, chắp cánh, nhưng như thế là chưa đủ, hành trình giành sự sống của chị em Thoàn, Vân đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm. Điều đó sẽ tiếp thêm nguồn động viên để các em vượt lên nghịch cảnh, viết tiếp những ước mơ hiện thực và trong sáng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363250-viet-tiep-uoc-mo-tu-mai-am-binh-yen