Viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Cần vững về bản lĩnh, sâu về trí tuệ, bén về lý luận, sáng về đạo đức
Hiện nay sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng diễn ra tinh vi, khó lường. Chính vì thế, việc nâng cao vai trò của Hội Nhà báo các cấp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng.
Hội Nhà báo làm gương, tích cực vào cuộc, sát cánh cùng các cơ quan báo chí
Tại hội nghị toàn quốc, tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng đã có những chia sẻ về việc nâng cao vai trò của Hội Nhà báo các cấp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo đó, tại tỉnh Lâm Đồng, đây là tỉnh có địa bàn rộng nằm ở Nam Tây Nguyên, địa bàn và tính chất cư dân rất phức tạp. Những người làm báo trên địa bàn tỉnh phải đối diện và đấu tranh với các thế lực thù địch, đấu đấu tranh với các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị…
Nhà báo Lê Văn Tòa chia sẻ: Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng luôn xác định rằng, trên mặt trận này, các cơ quan báo chí giữ vai trò chủ lực trong đấu tranh; hội viên nhà báo phải là mũi nhọn, đi đầu vì đó là trách nhiệm, sự dũng cảm; là năng lực nghiệp vụ và là đạo đức của hội viên nhà báo…
Hội nhà báo luôn cố gắng làm gương; vào cuộc, sát cánh cùng với các cơ quan báo chí, cùng với hội viên của mình, đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực phản động, thù địch. Hội có làm được thì mới nói được…
Từ năm 2021 tới nay, báo chí Lâm Đồng đã hoạt động khá đồng bộ trên mặt trận này. Báo Lâm Đồng mở chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên báo in, báo điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Youtube.
Đài PT-TH Lâm Đồng cũng mở chuyên mục phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Tất cả các chuyên mục này được biên dịch qua tiếng đồng bào dân tộc thiểu số (K’ho; Cil) và được đăng tải trên hệ thống PT-TH; Trang thông tin điện tử… Tạp chí LangBiang của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cũng đã tăng cường hàm lượng tư tưởng của Đảng trong tác phẩm Văn học, thơ ca, truyện ngắn…
Theo nhà báo Lê Văn Tòa: Tại Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh sau khi được thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và sự hỗ trợ của Sở TT&TT, tháng 9/2021 chúng tôi đã chính thức lên sóng chương trình “Diễn đàn 216”, đấu tranh trực diện với các thế lực chống cộng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên nền tảng Youtube để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ (đầu tư toàn bộ bằng tiền cá nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước)…
“Đến nay, chúng tôi đã thực hiện hơn 260 chương trình. Trong đó có hơn 100 chương trình phản bác trực tiếp; thời lượng bình quân mỗi chương trình từ 12 đến 15 phút; thu hút gần 60 ngàn lượt khán giả đăng ký, hàng chục triệu lượt xem, hàng triệu lượt like và hàng trăm ngàn lượt bình luận; hàng chục ngàn lượt chia sẻ”- nhà báo Lê Văn Tòa thông tin thêm.
Vạch trần các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ chính trị không tách rời
Ngoài việc chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm của người làm báo, người dân về sự chống phá của các thế lực thù địch. Nhà báo Lê Văn Tòa khẳng định: Đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị sẽ ngừng chống phá, xuyên tạc, ngừng chống Đảng, chống chế độ. Vì vậy, hãy nên xác định rằng đây sẽ là cuộc đấu tranh không ngừng. Cuộc đấu tranh này không dành cho những người yếu lập trường, thiếu dũng khí, thiếu kiên trì, bàng quan và vô cảm…
Thực tế, thời gian qua trong đội ngũ những người làm báo có không ít người phải ra trước tòa và lãnh án vì tội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước…Từ đó đặt ra vấn đề về giáo dục, rèn luyện tư tưởng và giám sát tư tưởng trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Đây cũng là nhiệm vụ mà Hội Nhà báo tỉnh luôn quan tâm.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Trên mặt trận này, các thế lực thù địch, phản động chủ yếu sử dụng công cụ báo chí, truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng để tuyên truyền chống phá, truyền bá tư tưởng, kích động bạo lực, kêu gọi biểu tình. Chúng thành lập cái gọi là Hội Nhà báo độc lập, những người đứng đầu của tổ chức này lại là những người từng là đồng chí, đồng nghiệp, những người từng cùng chúng ta nhìn về một hướng, từng đi chung với chúng ta trên một con đường, giờ đối mặt nhau ở hai đầu chiến tuyến tư tưởng…Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi người làm báo cách mạng phải: vững về bản lĩnh, sâu về trí tuệ, bén về lý luận và sáng về đạo đức…"
Nhà báo Lê Văn Tòa gợi ý: Hội Nhà báo các cấp phải là cơ quan tập hợp trong bộ tứ gồm Hội - Báo - Đài - các tạp chí trên địa bàn. Hội phải biết kết nối, phân vai, chia sẻ thông tin, tránh chung chung, hình thức. Có như vậy thì Hội mới thể hiện rõ vai trò của mình; mới phát huy thế mạnh của các cơ quan báo chí, của các loại hình báo chí và đặc biệt là phát huy các nền tảng mạng xã hội để đồng loạt hóa nội dung phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Nhà báo Lê Văn Tòa nhấn mạnh thêm: Muốn bảo vệ được Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải có kiến thức, phải hiểu biết về cái mà mình phải bảo vệ. Do đó, trách nhiệm của Hội Nhà báo các cấp là phải bồi dưỡng kiến thức chính trị; bồi dưỡng kỹ năng lý luận; giáo dục đạo đức người làm báo trên cơ sở 10 Điều quy định đạo đức Người Làm báo và quy tắc ứng xử của người làm báo trên không gian mạng…Coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài.
Hội Nhà báo các cấp cần kịp thời động viên, khuyến khích hội viên nhà báo, có cơ chế khen thưởng kịp thời các nhà báo xông pha trên lĩnh vực này, các nhà báo có nhiều bài phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ… Nghiên cứu biên soạn tài liệu về kỹ năng phản bác các quan điểm sai trái thù địch và đưa vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.