Việt vị: Từ sân bóng ra đời thường
Trong tiếng Việt hiện nay, người ta còn dùng từ 'việt vị' để chỉ ai đó bị rơi vào tình huống bất lợi, khó xử khi phán đoán sai tình hình.
Việt vị là một trong những lỗi hay gặp nhất trong bóng đá. Tuy nhiên, khác với nhiều lỗi khác (lấy bóng không hợp lệ, chơi tiểu xảo, chơi bạo lực, để bóng chạm tay...) thì cầu thủ phạm lỗi sẽ nhận thẻ phạt (vàng hoặc đỏ) và đối phương được đá phạt hay đá penalty, khi cầu thủ mắc lỗi việt vị thì trọng tài chỉ thổi còi dừng bóng, không cho đá tiếp.
Bóng được trả cho đối phương ở vị trí vừa bị việt vị. Vì thế, lỗi việt vị được coi là lỗi nhẹ nhất. Một đội bóng có thể mắc lỗi này nhiều lần trong một trận. Nó cũng không là căn cứ để chấm điểm phong cách khi cần thiết.
Nhưng trong nhiều trận đấu, lỗi việt vị lại gây phản ứng đối với cầu thủ và cả khán giả. Bởi không ít lần người xem thót tim hay mừng hụt trong một tình huống phối hợp dẫn đến bàn thắng (mà lại là bàn thắng đẹp nữa). Thường trọng tài chính thổi việt vị căn cứ vào trọng tài biên (căng cờ báo hiệu).
Cái rắc rối ở đây là, ranh giới giữa "phạm lỗi/ không phạm lỗi" rất mong manh, nhiều khi do trọng tài biên không theo dõi kịp, do nhìn nhầm hoặc xác định sai theo cảm tính, nhất là trong những trận đấu diễn ra quá nhanh (lỗi việt vị không tính khi cầu thủ nhận bóng mà tính vào thời điểm cầu thủ chuyền bóng).
Không ít trường hợp xảy ra tranh cãi giữa cầu thủ, người xem và trọng tài. Người ta cho rằng trọng tài bắt lỗi sai, làm ảnh hưởng tới nhịp độ trận đấu, thậm chí tước bỏ một bàn thắng đúng luật "trăm phần trăm", gây bức xúc cho đội bóng và khán giả (Hiện tại, công nghệ VAR nếu có cũng ít khi được sử dụng như các tình huống phạm lỗi khác - thường là nghiêm trọng).
Việt vị (offside) là một từ Hán Việt hai thành tố (việt: vượt qua, vị: vị trí), có nghĩa đen là "vượt quá vị trí". Trong bóng đá, đây là "lỗi của cầu thủ khi nhận bóng để tấn công ở phần sân đối phương mà phía trước không có cầu thủ nào của đối phương, trừ thủ môn" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Theo Luật Bóng đá (Laws of the Game) của FIFA, một cầu thủ được coi là bị việt vị khi có 4 điều kiện sau đồng thời được thỏa mãn: 1. Cầu thủ đó đứng ở phần sân của đối phương; 2. Có ít hơn 2 cầu thủ của đối phương đứng giữa anh ta và đường biên ngang cuối sân đối phương so với bóng; 3. Tham gia vào đường bóng đó; 4. Cầu thủ đó đang đứng phía trước trái bóng (theo hướng tấn công).
Trong 3 điều kiện đầu, thủ môn được tính là một cầu thủ đối phương. Theo Luật Bóng đá (sửa đổi năm 2005), các điều kiện thứ hai và thứ tư được hiểu rõ là "cầu thủ ở vị trí việt vị nếu bất cứ bộ phận nào của anh chạm bóng ở gần đường biên ngang cuối sân đối phương hơn so với bóng và cầu thủ đối phương thứ hai (cầu thủ đối phương thứ nhất thường là thủ môn)".
Cầu thủ đứng ở vị trí được coi là phạm luật việt vị và chỉ bị xử phạt nếu ở thời điểm đồng đội chuyền bóng hoặc chạm bóng, theo nhận định của trọng tài thì cầu thủ đó thực sự tham gia vào đường bóng tấn công đó hoặc cố tình cản trở đối phương.
Tuy nhiên, không ít những đội bóng đã tận dụng những điều khoản của luật việt vị để tạo lợi thế cho mình. Đó là việc sáng tạo ra "bẫy việt vị' của đội Bỉ (áp dụng tại World Cup 1978 tại Argentina) mà tác giả của sáng kiến này là Guy Thys (HLV đội Bỉ).
"Mẹo" giăng bẫy là, khi cầu thủ đối phương bắt đầu chuyền bóng, thì dàn cầu thủ Bỉ nhất loạt chạy lên, làm cầu thủ đối phương đứng "trật khấc" ở sân. Thế là đợt tấn công thất bại. Ấy thế nhưng, không ít lần các cầu thủ có cách phá bẫy việt vị, bằng cách họ tìm cách luôn đứng ngang đối thủ nhưng sẽ chạy thật nhanh khi nhìn thấy đồng đội bắt đầu chuyền bóng. Vậy nên phải coi chừng không khéo, gậy ông đập lưng ông.
Trong tiếng Việt hiện nay, người ta còn dùng từ "việt vị" để chỉ ai đó bị rơi vào tình huống bất lợi, khó xử khi phán đoán sai tình hình. Ví dụ: Công ty nọ quá tin đối tác, không tìm hiểu, cứ thế xuất hàng. Ai ngờ hàng đến cửa khẩu phải quay lại. Cú "việt vị" này đáng giá vài trăm triệu đồng; Anh chàng tưởng bở, ai dè bị cô em cho "việt vị", thật bẽ bàng, v.v.
Cô em cứ ngỡ xe hoa
Ai ngờ việt vị lại là "xe ôm"...
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/viet-vi-tu-san-bong-ra-doi-thuong-33867.html