VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 20%, tăng vốn chủ lên gần 12.000 tỷ

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã: VAB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2024. Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 11.500 tỷ đồng và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đồng thời chuẩn bị phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX hoặc HoSE.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của VIETABANK. Ảnh: Mai Trang.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của VIETABANK. Ảnh: Mai Trang.

Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã: VAB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.

Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh năm 2024 ghi nhận sự cải thiện cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.086 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2023, hoàn thành 103% kế hoạch năm.

Nợ xấu đến cuối năm 2024 được kiểm soát ở mức 1.091 tỷ đồng, tương đương 1,37% tổng dư nợ cho vay, giảm nhẹ 0,22 điểm % so với năm trước. Vốn chủ sở hữu đạt 8.857 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 5.400 tỷ đồng, chưa thực hiện kế hoạch tăng lên 7.505 tỷ đồng do điều kiện thị trường chưa thuận lợi, thanh khoản và giá giao dịch cổ phiếu chưa đạt kỳ vọng.

Đánh giá triển vọng kinh tế năm 2025, HĐQT VietABank cho biết, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 16% để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Lợi nhuận ngành ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ mở rộng tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM). Tuy nhiên, các thách thức như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và vận hành vẫn hiện hữu trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Trên cơ sở đó, VietABank đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm trước.

Trả lời cổ đông về tác động của chính sách thuế quan và những xung đột chính trị trên thế giới đến kế hoạch kinh doanh và hoạt động của ngân hàng, ông Phương Thành Long, Chủ tịch VAB nhận định: "Thứ nhất, hiện nay, với tình hình thuế quan và chính sách thương mại của Mỹ liên tục thay đổi, đặc biệt là các biện pháp siết chặt thương mại quốc tế, có tác động gián tiếp tới hoạt động ngân hàng, nhất là đối với các khoản cho vay doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo thống kê, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu đạt chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó cho vay với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp công nghiệp chiếm trên dưới 2%.

Điều đó có nghĩa rằng tác động trực tiếp đến ngành ngân hàng nói chung VAB nói riêng là con số khá nhỏ.

Trong danh mục cho vay khách hàng của VAB “trong cái rủi có cái may”, VIC có những hoạt động ngoại tệ, nhưng không trực tiếp liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu, nên những dự báo của ngân hàng về tác động của thuế quan dưới 1%.

Thứ hai là sức ép đến tỷ giá. Khi ngoại tệ suy yếu, lãi suất tăng làm tăng tính lo ngại về nơi trú ẩn an toàn về tài sản bằng đồng USD của Mỹ. Do đó sẽ có những tác động đến Việt Nam, về nguồn vốn, lãi suất, tỷ giá… Nước ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ trực tiếp, bám sát và linh hoạt với bất động của thị trường để có thể có những hoạt động hỗ trợ và vẫn đảm bảo được lãi suất điều hành. Theo các phân tích của chuyên gia thì sẽ không tăng thêm và duy trì hoạt động sản xuất".

"Với những tác động như vậy thì tôi nghĩ cũng không quá khó”, ông Long nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp bất kỳ một diễn biến nào trên thế giới cũng có thể tác động đến thị trường, nhất là trong hoàn cảnh tình hình đang có nhiều bất động.

“Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một trong những chiến lược để đối phó với thuế quan không phải là tầm nhìn ngắn hạn. Đó là tầm nhìn trung hạn, 3 năm, 5 năm, thậm chí là 7 năm. Với việc phát hành cổ phiếu của VAB, dĩ nhiên chúng ta không nhìn vào ngắn hạn. Và việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ tôi nghĩ rằng do năng lực tài chính nội tại, đáp ứng các chỉ tiêu và cơ hội trong tương lai, trong nguy có cơ. Cũng khi đối mặt với thuế quan, chúng ta cũng có những ngành nghề có cơ hội mới", Chủ tịch HĐQT VAB nói.

Ngân hàng cũng đề ra mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Dự kiến, vốn điều lệ sẽ tăng lên 11.582 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 114%. Kế hoạch tăng vốn sẽ được triển khai thông qua ba hình thức.

Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị phát hành gần 2.851 tỷ đồng. Theo phương án này, ngân hàng sẽ phát hành tối đa hơn 285 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ lệ 52,8% (tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 52,8 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 8.251 tỷ đồng sau đợt phát hành.

Thứ hai, ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho người lao động, tương đương 3,7% số cổ phiếu đang lưu hành, với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu trong vòng một năm. Kế hoạch phát hành sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt.

Thứ ba, VietABank sẽ phát hành hơn 313 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 58% (100 quyền mua sẽ được mua thêm 58 cổ phiếu), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị gần 3.132 tỷ đồng.

Theo ông Phương Thành Long, một trong những mục tiêu và tiêu chí VAB hướng tới khi phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ là nhắm tới những tiềm năng và cơ hội trong tương lai.

"Tôi nghĩ việc đó không ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của một ngân hàng. Chúng tôi hướng tới sự trưởng thành, vững bền về tài chính. Nó (thuế quan - PV) có thể có đôi tác động tùy thời điểm.

Thời điểm lựa chọn chuyển sàn hay phát hành cổ phiếu chúng tôi dự báo mức độ tác động 20% và dài hạn sẽ thay đổi. Bởi thế giới càng biến động thì chúng ta càng nâng cao sức chống chịu của tổ chức kinh doanh, về nền tảng tổ chức,... Quản trị càng tốt được bao nhiêu thì chúng ta lại càng thêm sức chống chịu với bão tố trong tương lai, bất kể là tích cực hay tiêu cực", Chủ tịch HĐQT VAB nhấn mạnh.

Chuẩn bị lên sàn HoSE hoặc HNX

Liên quan kế hoạch niêm yết cổ phiếu, VietABank cho biết sẽ thực hiện theo định hướng tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021–2025", trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2025.

Dự báo thị trường chứng khoán sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới,

HĐQT VietABank trình Đại hội thông qua kế hoạch niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán – khi đáp ứng đầy đủ điều kiện và được cơ quan quản lý chấp thuận. Việc niêm yết có thể thực hiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tùy vào quyết định của HĐQT.

HĐQT cũng được cổ đông ủy quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến niêm yết theo đúng quy định pháp luật và tình hình thị trường.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vietabank-dat-muc-tieu-loi-nhuan-tang-hon-20-tang-von-chu-len-gan-12000-ty.html