ĐHĐCĐ KienlongBank: Lợi nhuận quý I tăng 66%, câu chuyện vốn là 'vùng trũng' của ngân hàng
Sáng ngày 25/04/2025, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên bằng hình thức trực tuyến, nhằm trình kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

ĐHĐCĐ KienlongBank 2025 (Ảnh: LP)
Báo cáo tại đại hội, cổ đông tham dự (bao gồm cả ủy quyền) là 69 cổ đông, đại diện cho gần 335 triệu cổ phiếu, tương đương 92,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện để tiến hành.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 24%
Tại đại hội, Quyền Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh đã trình bày kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.112 tỷ đồng, tăng 54,75% so với năm trước và hoàn thành 139% kế hoạch đề ra. Dư nợ tín dụng đạt 61.432 tỷ đồng, tăng 16,84%, tổng vốn huy động đạt 82.575 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cuối năm 2023.

Kết quả kế hoạch kinh doanh 2024 KienlongBank. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ 2025 KienlongBank)
Năm 2025 KienlongBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng gần 11% lên 102.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng gần 13% (93.000 tỷ đồng) và dư nợ tín dụng tăng gần 16% (71.000 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 24% lên 1.379 tỷ đồng so với năm 2024.

Các chỉ tiêu hợp nhất 2025. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ 2025 KienlongBank)
Trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%, tăng vốn vượt 7.200 tỷ
Cùng đó, ban lãnh đạo KienlongBank cũng trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 180.74 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% và chào bán 180.74 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50% với giá 10.000 đồng/cp hoặc cao hơn do HĐQT quyết định.
Vốn điều lệ dự kiến sau khi hoàn tất 2 phương án trong năm 2025 sẽ tăng từ 3.653 tỷ đồng lên gần 7.268 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn tăng thêm dự định để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh sinh lời cho ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, bổ sung nguồn vốn để tái đầu tư tài sản cố định, công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới hoạt động.
Một nội dung nữa được đưa ra tại đại hội là việc niêm yết cổ phiếu KienlongBank. HĐQT cho biết, hiện cổ phiếu KienlongBank đã đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch (UPCoM) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). HĐQT trình ĐHĐCĐ niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán. Giao HĐQT lựa chọn Sở giao dịch Chứng khoán để đăng ký niêm yết, thời gian, đơn vị tư vấn.
Ngoài những nội dung trên, đại hội cũng sẽ xem xét thông qua việc chi trả thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) năm 2024 và đề xuất thù lao HĐQT, BKS năm 2025. Ban hành thay thế điều lệ ngân hàng; phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm, ...
Thảo luận:
Lợi nhuận năm 2024 đã hoàn thành 139% kế hoạch.Đề nghị chủ tọa chia sẻ rõ hơn động lực chính tạo nên kết quả kinh doanh ẩn tượng trên và liệu động lực đó có còn được duy trì trong năm 2025 hay không?
Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Lợi nhuận năm 2024 của KienlongBank lần đầu tiên vượt 1.110 tỷ, đạt 139% kế hoạch. Kết quả này một phần đến từ thu nhập lãi thuần của KienlongBank đạt 3.191 tỷ, tăng 56% so với năm 2023. Nếu so sánh với các ngân hàng khác, đây là một trong những tỉ lệ tăng cao.
Bên cạnh đó, thu nhập thuần từ phí dịch vụ và hoạt động phi tài chính khác đạt 746 tỷ đồng, đóng góp gần 20% thu thuần từ hoạt động kinh doanh. Chúng ta cũng có một nền tảng công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số. Việc tái cơ cấu nhân sự và nâng cấp trình độ về nhân sự cũng đã được đáp ứng kịp thời để thích nghi với sự biến động của thị trường. Với những kết quả đã đạt được của năm 2024, chúng tôi rất tự tin năm 2025 sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới.
Ngay từ đầu năm, KienlongBank cũng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng. Chủ trương này giúp cho hoạt động trong năm 2025 của ngân hàng chủ động hơn. KienlongBank đang tập trung phát triển và kiểm soát tín dụng hiệu quả, điều tiết huy động tiền gửi hợp lý theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhất là AI.
Tỉ lệ CIR của KienlongBank năm 2024 đang ghi nhận ở mức khoảng 50%. Ngân hàng có định hướng nào để cải thiện các chỉ số trên không?
Quyền Tổng giám đốc Trần Hồng Minh. Chi phí hoạt động năm 2024 của KienlongBank tập trung vào chi phí về nhân sự và đầu tư tài sản công nghệ. Đây là hai nguồn lực mà HĐQT và ban điều hành KienlongBank cũng xác định sẽ là động lực và là hai chi phí cần được ưu tiên.
Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, KienlongBank đầu tư rất nhiều và tập trung vào công nghệ core banking, core thẻ, tích hợp Icloud, trí tuệ nhân tạo (AI),... để tăng năng suất lao động cho toàn hệ thống. Ngoài ra KienlongBank cũng đã tăng cường các chính sách về thu hút nhân tài và đẩy mạnh công tác đào tạo. Tuy nhiên, chi phí hoạt động năm 2024 giảm gần 10% thể hiện nỗ lực của quản trị và cán bộ nhân viên.
Với chi phí đầu tư về công nghệ đã được phân bổ trong năm 2024 bắt đầu mang lại giá trị vượt trội trong thời gian tới. Chắc chắn CIR của KienlongBank sẽ được cải thiện và đưa về mức trung bình ngành.
Theo BCTC năm 2024 KienlongBank có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, điều này có ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của ngân hàng hay không?
Quyền Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: Đây là một nội dung rất hay. Tôi xin khẳng định KienlongBank đã và đang tuân thủ mọi quy định của Ngân hàng Nhà nước, các luật TCTD về các chỉ tiêu an toàn vốn bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần lượt là 12,3% và 18,3%. Đây là những tỷ lệ vượt quy định pháp luật đề ra.
Năm 2024, KienlongBank đã hoàn thành mục tiêu kép vừa tăng trưởng lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn bền vững. Tôi xin khẳng định việc dòng tiền kinh doanh âm không ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả kinh doanh của KienlongBank mà nó sẽ còn góp phần gia tăng hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng. Đó là một nguyên nhân để chúng ta có thể hoàn thành được kết quả năm 2024.
Định hướng phát triển tín dụng của KienlongBank năm 2025?
Quyền Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: Trong bản trình bày về kế hoạch kinh doanh 2025 tôi cũng có chia sẻ rằng chúng ta sẽ có định hướng cụ thể rõ nét về tín dụng. KienlongBank sẽ đi vào ba tệp khách hàng mục tiêu:
Khách hàng khu vực nông thôn đang là khách hàng hiện hữu của KLB: phát triển tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm giải quyết hai vấn đề là gia tăng giá trị và tăng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Khách hàng thành thị: tập trung vào nhóm khách hàng trẻ dưới 35 tuổi, sản phẩm vay tiêu dùng, phát triển khách hàng ưu tiên.
Khách hàng từ kênh số: đưa các sản phẩm tín dụng trên nền tảng số, đưa các chuỗi sản phẩm số có giá trị.
Với ba định hướng này KienlongBank hy vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tín dụng của năm 2024 và có một số điểm mới, tệp khách hàng mới trong 2025.
Chiến lược về quản trị rủi ro của KienlongBank năm 2025 là gì?
Trưởng ban kiểm soát Đỗ Thị Tuyết Trinh: Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững, KienlongBank hướng trọng tâm đến việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro chú trọng vào các công tác quản trị theo thông lệ quốc tế.
Trong đó KienlongBank đã xác định việc triển khai, áp dụng Basel III và ESG là một phần trong chiến lược tổng thể dài hạn của ngân hàng. Việc triển khai Basel III theo một lộ trình toàn diện trên cả 3 trụ cột nhằm nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản, có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Năm 2024 ngân hàng đã công bố báo cáo phát triển bền vững ESG theo tiêu chuẩn quốc tế với bốn chủ đề lớn và đưa vào vận hành trong điều kiện môi trường thực tế. Theo đó, trong năm 2025 sẽ xây dựng chính sách tài chính xanh cho vay đối với nông nghiệp sạch, nông nghiệp nông thôn bền vững, các mô hình năng lượng tái tạo hoặc là các mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường.
Trong năm 2024, KienlongBank là một trong số ít các ngân hàng triển khai hoàn thành cả hai tiêu chuẩn quốc tế cùng lúc là Basel III và ESG.
Quý I/2025 KienlongBank đạt được kết quả ra sao?
Quyền Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh:Năm 2025 dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 1.379 tỷ đồng, trong quý I/2025 lợi nhuận của KienlongBank đạt 356 tỷ đồng, tăng so với mức 214 tỷ của cùng kỳ năm trước (tăng 66%). Đây là một tín hiệu và khẳng định chúng ta có thể tự tin đạt được kế hoạch.
Lý do để có thể tăng 66% so với năm trước là giảm lãi suất đầu vào, trong quý I KienlongBank giảm được chi phí giá vốn đầu vào, giảm chi phí hoạt động so với năm 2024. Về mặt doanh thu, hoạt động tín dụng đi theo định hướng và có sự tăng trưởng, tăng về thu dịch vụ chiếm từ 18 - 20% trong cơ cấu lợi nhuận.
Nếu quý II và các quý sau vẫn bám sát như vậy thì chúng ta có thể tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2025.
Lộ trình dự kiến của việc phát hành cổ phiếu của KienlongBank trong năm 2025? Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Kienlongbank ?
Chủ tịch Trần Ngọc Minh: HĐQT cũng đã trình ĐHĐCĐ về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 50% và phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%. Trường hợp được thông qua thì sẽ tiến hành ngay các thủ tục tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và với hình hình thực tiễn của thị trường chứng khoán thì HĐQT dự kiến có thể hoàn thành trong quý IV/2025.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng đã gửi ĐHĐCĐ xem xét. Trong trường hợp được ĐHĐCĐ chấp thuận HĐQT sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết và cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong quý IV/2025.
Trường hợp không được ĐHĐCĐ chấp thuận tăng vốn thì có ảnh hưởng gì không?
Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Chúng ta có nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng vẫn có điểm được xem là vùng trũng, đấy là câu chuyện vốn. Với mức vốn 3.600 tỷ KienlongBank đang nằm trong Top các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ thấp.
Tăng vốn sẽ giúp KienlongBank nâng cao năng lực tài chính, nâng cao quy mô tài sản, khả năng quản trị rủi ro, tuân theo và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của KienlongBank. Tăng vốn là một trong mục tiêu mà KienlongBank sẽ phải làm, đáp ứng các chỉ đạo của Thủ tướng và chủ trương định hướng của NHNN, theo đề án cơ cấu lại KienlongBank giai đoạn 2020 - 2025.
Do đó HĐQT đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 50%, mức top đầu trong các ngân hàng, và phát hành thêm cổ phiếu thể hiện cam kết của KienlongBank với ĐHĐCĐ.
Việc thông qua hay không thông qua là quyền của các cổ đông, chúng tôi tôn trọng quyền của các cổ đông, nếu không thông qua sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của KienlongBank. Tuy nhiên chúng tôi sẽ chủ động linh hoạt sử dụng các nguồn lực hiện có để đảm bảo hoạt động của KienlongBank, tuân thủ quy định của NHNN,...
Dù thế nào KienlongBank cũng sẽ cố gắng để 2025 là một năm bứt phá, là năm dấu ấn cột mốc 30 năm của KienlongBank.
Việc phát hành chia cổ tức với tỷ lệ lớn (50%) có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu hay không? Có đảm bảo lợi ích cho cổ đông hay không?
Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Về lý thuyết, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xuyên suốt trong 4 năm nay KienlongBank đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Tăng trưởng kép lợi nhuận trước thuế đạt 75%. ROE liên tục cải thiện và duy trì cao hơn trung bình ngành. Với kế hoạch 2025 nếu ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn thì so giá trị sổ sách của KienlongBank chúng tôi có thể nhìn thấy mức giá là 13.000 đồng/cp, đây là mức cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.
Như vậy cổ đông có thể yên tâm rằng tại thời điểm chia giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng nhưng về lợi ích lâu dài cổ đông hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi cũng tự tin về việc trình phương án tăng vốn lần này.
KienlongBank có dự kiến mở rộng mạng lưới không? Việc sáp nhập các tỉnh thành có ảnh hưởng gì hoạt động này hay không?
Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Hiện KienlongBank có 134 điểm kinh doanh là chi nhánh và phòng giao dịch. Trong thời gian qua thì chúng ta đang triển khai mở rộng quy mô thông qua chuyển đổi số thay vì mở rộng điểm kinh doanh vật lý. Hiện 95% giao dịch được thực hiện qua kênh số. Trong thời gian qua, KienlongBank không mở rộng điểm kinh doanh vật lý nhưng vẫn đạt được kết quả tốt.
134 điểm giao dịch của KienlongBank nằm ở 28/63 tỉnh thành với mức độ phân bố chưa đồng đều, nếu so với TCTD có quy mô dưới 200.000 tỷ thì số lượng này là con số nhiều chứ không ít. Việc sáp nhập có lợi cho KienlongBank ở những tỉnh thành chưa có địa điểm thì chúng ta có thể tăng thị phần, địa bàn.
Đại hội đồng cổ đông đã không thông qua hai tờ trình:
Phương án tăng vốn điều lệ (Tỷ lệ đồng ý 55,06%; tỷ lệ không đồng ý là 44,28%)
Phương án sửa đổi, bổ sung điều lệ của ngân hàng (tỷ lệ đồng ý là 55,07%; tỷ lệ không đồng ý là 44,27%)
Hai nội dung được thông qua với tỷ lệ đồng ý 55,07% (tỷ lệ không có ý kiến là 44,27%) là tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu KienlongBank trên sở giao dịch chứng khoán và tờ trình Ủy quyền, giao nhiệm vụ cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Các tờ trình còn lại đều đã được thông qua.