Vietcombank có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vừa thông báo về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 kiêm Tổng giám đốc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời, ông Tùng cũng sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc Vietcombank….

Vietcombank kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Vietcombank kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Thời hạn bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng từ ngày 26/7/2024 đến hết nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Hội đồng quản trị Vietcombank cũng bổ nhiệm ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành từ ngày 26/7 đến khi ngân hàng kiện toàn vị trí nhân sự Tổng giám đốc.

Vietcombank đồng thời miễn nhiệm chức vụ Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 với ông Đỗ Việt Hùng do ông Nguyễn Thanh Tùng đã giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Hùng tiếp tục là Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội, có 27 năm làm việc tại Vietcombank (từ 1997). Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ngành kinh tế ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ngành Tiếng Anh, thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP.

Tháng 4/2019 đến tháng 8/2021, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Bán buôn. Tháng 8/2021 đến tháng 1/2023, ông làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành. Sau đó, ông Tùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ 30/1/2023. Đến ngày 2/1/2024, ông Tùng làm Người đại diện theo pháp luật của Vietcombank, thay cho ông Phạm Quang Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ 1/1/2024).

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng.

Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng.

Đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2022, trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tổng huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2022.

Quy mô vốn hóa thị trường của Vietcombank cuối năm 2023 đạt xấp xỉ 19 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam, nằm trong top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Ước tính tại ngày 26/7, vốn hóa của Vietcombank đạt 487.928 tỷ đồng, tương ứng 19,5 tỷ USD.

Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 12.634 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,99%, số dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 28.684 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng là 227%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 41.244 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022, thiết lập kỷ lục mới và tiếp tục là ngân hàng có quy mô lợi nhuận dẫn đầu thị trường.

Chỉ số ROAA (tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp trên tài sản trung bình) và ROAE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân) duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,81% và 21,99%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết năm nay Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.

Tính đến 31/3/2024, huy động vốn thị trường 1 của Vietcombank đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31%, tương ứng hơn 46.000 tỷ đồng. Huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn. Tín dụng giảm 0,42%, khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi bán buôn tăng trưởng. Doanh số thanh toán quốc tế, ngoại tệ, tăng trưởng 4,21% so với cùng kỳ, hoàn thành 98% kế hoạch quý 1/2024… Hết quý 1/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vietcombank-co-tan-chu-tich-hoi-dong-quan-tri.htm