Vietcombank đẩy mạnh tăng vốn điều lệ và phát hành riêng lẻ, hướng đến mốc gần 89.000 tỷ đồng
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết Vietcombank đang triển khai đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 6,5% vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính và phù hợp với chiến lược dài hạn.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại đại hội.
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank. Tại sự kiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận như kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phương án phân phối lợi nhuận, dự báo các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng...
Phát hành tối đa hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết Vietcombank đang tiếp tục triển khai đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 6,5% vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính và phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn. Theo tờ trình gửi cổ đông, tổng số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán tối đa là 543,1 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 5.431 tỷ đồng, dành cho tối đa 55 nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian chào bán có thể chia thành nhiều đợt trong giai đoạn 2025–2026, tùy theo nhu cầu thị trường. Đối với nhà đầu tư chiến lược, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm, còn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tối thiểu một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Nếu thành công, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Trước đó, ngân hàng đã phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu cho 33.163 cổ đông, tương ứng hơn 27.666 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng từ 55.890 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng hiện tại.
Vietcombank cho biết nếu cổ đông chiến lược - Ngân hàng Mizuho Nhật Bản nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% sẽ được cử thêm một thành viên vào HĐQT, nhưng không quá hai người. Nhà đầu tư nước ngoài khác, nếu sở hữu từ 5% vốn trở lên, cũng có quyền đề cử một thành viên HĐQT. Việc đề cử và vào nắm quyền trong HĐQT của các cổ đông lớn đều sẽ dựa trên cơ sở được NHNN chấp thuận.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hoàng Tùng cho biết kế hoạch tăng vốn đã được chuẩn bị trong thời gian dài, nhưng việc triển khai gặp nhiều thách thức do điều kiện thị trường và chưa tìm được đối tác phù hợp. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô đang cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng. Dù vậy, việc hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm 2025 vẫn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh vĩ mô và sự quan tâm của nhà đầu tư.
Ngoài kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Vietcombank cũng đang xây dựng phương án tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại các năm 2022 và 2023, trình cơ quan thẩm quyền xem xét và sẽ triển khai sau khi được phê duyệt. Theo đó, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 21.680 tỷ đồng năm 2022 và 22.770 tỷ đồng năm 2023. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cân nhắc sử dụng thêm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Cũng theo tờ trình tới các cổ đông, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của Vietcombank năm 2024 đạt hơn 33.084 tỷ đồng. Sau điều chỉnh, lợi nhuận còn lại là 23.149 tỷ đồng và ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ để chia cổ tức. Tuy nhiên, hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu chưa được nêu rõ và vẫn cần chờ sự phê duyệt từ cơ quan quản lý.
Lợi nhuận mục tiêu đạt hơn 43.700 tỷ đồng
Đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động, Vietcombank đề ra các chỉ tiêu tài chính thận trọng cho năm 2025. Tổng tài sản ngân hàng dự kiến tăng 10%, đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao, ước đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng được định hướng tăng tối đa 16,28%, tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 3,5% so với năm trước, ước khoảng 43.714 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ dự kiến đạt 42.734 tỷ đồng, điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Ban lãnh đạo Vietcombank điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2025, Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh cho biết các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là tín dụng và tài trợ thương mại quốc tế - mảng mà Vietcombank chiếm khoảng 20% thị phần toàn thị trường. Lợi nhuận quý I cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, với đóng góp lớn từ thu nhập ngoài lãi. Chi tiết sẽ được cung cấp trong báo cáo tài chính dự kiến công bố trong tuần sau.
Liên quan đến những bất ổn trên thị trường quóc tế, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới với mức thuế suất cao lên tới 46%, dự báo sẽ có khoảng 55–56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, với tỷ trọng thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại chiếm khoảng 20% toàn ngành, Vietcombank có thể chịu tác động đáng kể.
Nhiều khách hàng của Vietcombank là doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành dễ bị tổn thương như điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa... Ngoài ra, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank chiếm hơn 20% dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và trên 50% doanh số hoạch toán quốc tế tài trợ thương mại – các yếu tố khiến Vietcombank phải chủ động ứng phó mạnh mẽ hơn so với nhiều ngân hàng khác.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết đang chủ động phối hợp với khách hàng để hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời chủ động đề xuất giải pháp với các cơ quan quản lý nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài. Một động thái đáng chú ý gần đây là việc Vietcombank tài trợ vốn cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing từ Mỹ, được kỳ vọng góp phần thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
Về tiến độ chuyển giao ngân hàng bắt buộc, Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng cho biết Vietcombank đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho Ngân hàng Xây dựng, nay là VCBNeo nhằm đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin. Các hoạt động đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch phục hồi, chuyển đổi hệ thống công nghệ... đang được thực hiện đồng bộ nhằm đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.
Tại đại hội, Vietcombank tiến hành bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị và một thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2023-2028. Đồng thời, HĐQT trình ĐHĐCĐ miễn nhiệm ông Shojiro Mizoguchi, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, theo đề xuất thay đổi người đại diện của Ngân hàng Mizuho, đã được NHNN chấp thuận.
Hai ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT gồm ông Kohei Matsuoka, sinh năm 1969, Ủy viên điều hành Ngân hàng Mizuho kiêm Đồng Trưởng phòng Quản lý kinh doanh khu vực châu Á, và bà Hoàng Thanh Nhàn, sinh năm 1972, Thạc sĩ ngân hàng, Cao cấp lý luận chính trị, hiện là Tổng Biên tập tại NHNN, trực tiếp tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN các nhiệm vụ được giao.