VietinBank tha thiết được tăng vốn điều lệ
Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng đang rất cần sự phê duyệt của các bộ, ngành cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Dư địa tăng vốn của VietinBank còn rất ít
Lãnh đạo VietinBank cho biết, áp lực tăng vốn tự có, đặc biệt là vốn điều lệ của VietinBank trong giai đoạn 2016-2020 là rất lớn.
Là một trong những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn nhất, giữ vị tạo lập thị trường. Song để giữ được vị thế này, VietinBank phải khẩn trương tăng vốn điều lệ.
“Nếu không tăng được vốn điều lệ, VietinBank sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành và theo đó tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế”, ông Huân cho biết.
Lãnh đạo VietinBank đề xuất, bên cạnh tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tích lũy để lại, VietinBank rất cần sự phê duyệt của Chính phủ, NHNN và các bộ, ban ngành liên quan về việc cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. VietinBank cũng đề nghị Nhà nước bố trí nguồn lực để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước trên cơ sở duy trì tỷ lệ biểu quyết của Nhà nước ở mức tối thiểu 65%.
“Đây là điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển bền vững của VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước khác, thông qua đó tạo đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn bứt phá và tăng tốc hiện nay trước khi bước vào giai đoạn phát triển ổn định và gặt hái thành quả sau này”, ông Huấn kiến nghị.
Đề án tái cơ cấu hoạt động và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được xây dựng với 3 nội dung trọng yếu: Nâng cao năng lực tài chính; Nâng cao năng lực quản trị điều hành; Xử lý nợ xấu đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng.
Trong đó, trọng tâm của nâng cao năng lực tài chính là tăng vốn đến nay vẫn là khó khăn lớn của VietinBank. Mặc dù ngân hàng đã tập trung tái cấu trúc danh mục tài sản, tái cấu trúc danh mục đầu tư sử dụng vốn tự có, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2… song bài toán tăng vốn vẫn chưa thể giải quyết. Đây là lý do khiến VietinBank chưa được công nhận đạt chuẩn Basel II.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vietinbank-tha-thiet-duoc-tang-von-dieu-le-d130581.html