Vietnam Airlines đạt thỏa thuận tái cơ cấu đội máy bay thuê của ALC

Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC) vừa ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến việc thuê 18 máy bay, gồm 12 chiếc Airbus A321neo và 6 chiếc Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng, cũng như xem xét lại các điều khoản thuê máy bay dựa trên diễn biến phục hồi kinh tế và hàng không ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Giảm dần gánh nặng thuê máy bay

Vietnam Airlines (VNA) đạt được thỏa thuận hỗ trợ với ALC sau một thời gian dài đàm phán. Thỏa thuận với ALC là thành quả quan trọng giúp VNA trong nỗ lực tái cơ cấu. Nhờ đó sẽ góp phần giúp VNA tiết kiệm đáng kể các chi phí tàu bay, cân đối dòng tiền và vượt qua những khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Vietnam Airlines với ALC về tái cấu trúc đội máy bay. Ảnh: VNA

ALC là một trong những công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ với hơn 450 máy bay cho thuê trên toàn cầu. ALC hiện là đối tác cho thuê máy bay lớn nhất của VNA với tổng số 16 máy bay đang khai thác thuộc các dòng máy bay thế hệ mới nhất, gồm 12 chiếc A321neo và 4 chiếc Boeing B787-10.

Với đội máy bay lớn nhất Việt Nam gồm 107 chiếc, VNA có chi phí máy bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí. Đội máy bay quy mô lớn, trong khi nhiều đường bay đều bị tạm dừng vì Covid-19, đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ lên hãng bay này. Do đó, tái cơ cấu đội máy bay, cắt giảm chi phí là mục tiêu chiến lược để hãng sớm vượt qua khủng hoảng.

Trong giai đoạn đại dịch, VNA phải đẩy mạnh các giải pháp tự thân với trọng điểm là gia tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu mức lỗ và các thiệt hại do đại dịch, hướng đến việc tối ưu hóa cấu trúc chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.

Đặt mục tiêu giảm chi phí thuê máy bay

Tái cơ cấu đội máy bay là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra khi thực hiện cơ cấu lại VNA. Hiện tại, VNA đang khai thác 107 tàu bay (29 máy bay thân rộng, 71 máy bay thân hẹp và 7 máy bay cánh quạt) có độ tuổi trung bình dưới 10 năm tuổi, bao gồm các dòng tàu bay thế hệ mới, tiết kiệm chi phí, mang lại tiện nghi, chất lượng dịch vụ cao cho hành khách.

Về đội máy bay thuê, VNA đang thực hiện 65 hợp đồng thuê máy bay với 12 đối tác cho thuê, trong đó có 9 hợp đồng thuê máy bay mới chưa nhận (các máy bay này có lịch nhận theo hợp đồng vào năm 2020). Trong cơ cấu chi phí của VNA, chi phí thuê máy bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước Covid) và lên tới 31-32% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid).

Nếu tính toàn bộ chi phí máy bay thì tổng chi phí máy bay (gồm thuê và sở hữu) chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước Covid) và tăng lên 37 – 42% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid). Do vậy, kết quả đàm phán tái cơ cấu chi phí đội máy bay với các bên cho thuê đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp VNA giảm lỗ trong giai đoạn Covid mà còn nhằm cấu trúc lại chi phí VNA vượt qua khó khăn, hồi phục và tiếp tục phát triển trong thời kỳ hậu Covid.

Ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài đã gây ra tình trạng thừa số lượng lớn máy bay, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh, gây thua lỗ lớn cho VNA. Do vậy, để giảm lỗ trực tiếp trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu các rủi ro pháp lý do vi phạm quy định Hợp đồng thuê khai thác máy bay do nợ quá hạn cũng như nắm bắt cơ hội cơ cấu lại chi phí thuê máy bay trong thời gian tới nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, VNA đặt mục tiêu đàm phán với các bên cho thuê máy bay bằng các hình thức giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê để giảm áp lực dòng tiền; giảm tiền thuê để cắt giảm chi phí trực tiếp vào chi phí máy bay thuê. VNA đặt mục tiêu giảm chi phí thuê máy bay giai đoạn 2021-2025 là 5.250 tỉ đồng.

Với các máy bay chưa nhận, VNA tiếp tục lùi lịch nhận các máy bay mới (B787-10, A320neo) và hủy một số hợp đồng các máy bay chưa nhận. Dự kiến số giảm do không nhận máy bay vào khoảng 3.000 tỉ đồng, giảm trách nhiệm pháp lý trả nợ (Liability) do hủy nhận máy bay khoảng 12.550 tỉ đồng.

Đàm phán với các bên cho thuê tàu bay là quá trình rất khó khăn do VNA không có thế mạnh trong đàm phán vì đối tác cho rằng VNA có cổ phần chi phối của Nhà nước nên khó có khả năng phá sản. Mặc dù hầu hết các bên cho thuê máy bay khẳng định chia sẻ, hỗ trợ VNA vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng phần lớn chỉ chào hỗ trợ trong giai đoạn ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ yếu cho giãn hoãn thanh toán tiền thuê trong 3 – 6 tháng.

Song song với việc triển khai đàm phán cấp cao với các bên cho thuê máy bay, cho đến nay VNA mới chỉ thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn từ 5% – 30% phụ thuộc vào kết quả đàm phán hỗ trợ với từng đối tác (thông qua khoản vay tái cấp vốn) để yêu cầu các bên cho thuê máy bay tiếp tục hỗ trợ cho VNA ở mức tốt hơn và dài hạn hơn.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vietnam-airlines-dat-thoa-thuan-tai-co-cau-doi-may-bay-thue-cua-alc/