Vietnam Airlines (HVN) báo lãi cao nhất lịch sử, muốn mở rộng đội tàu bay
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (mã cổ phiếu HVN) cho biết mỗi tàu bay của hãng bình quân hoạt động 11 giờ mỗi ngày trong năm 2024, tăng đến 25% so với năm ngoái.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN - sàn HoSE) cho biết, tổng công ty đã vận chuyển 22,7 triệu lượt khách trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Sản lượng hàng hóa chuyên chở tăng tới 40%, đạt khoảng 314.700 tấn. Mỗi tàu bay của hãng bình quân hoạt động 11 giờ mỗi ngày, tăng đến 25% so với năm ngoái.
Theo đó, Vietnam Airlines ước tính doanh thu cả năm nay đạt hơn 114.700 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, và lợi nhuận trước thuế trên 7.300 tỷ, lập mức cao nhất từ trước đến nay. Con số này cũng gấp hơn hai lần mức lợi nhuận Vietnam Airlines đạt được thời kỳ đỉnh cao những năm 2018, 2019 trước đại dịch.
Ông Lê Hồng Hà không nêu cụ thể động lực tăng trưởng giúp mức lợi nhuận lập kỷ lục. Tuy nhiên, hồi giữa năm, Vietnam Airlines đã ghi nhận lãi hợp nhất hơn 5.200 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc công ty con - Pacific Airlines được xóa nợ lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng.
Như vậy, Vietnam Airlines đã chấm dứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp, nhưng tính đến cuối tháng 9, hãng hàng không này vẫn còn lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng.
Trong một diễn biến có liên quan, Vietnam Airlines dự kiến sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với nội dung trọng tâm là phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ và những định hướng trong Đề án phục hồi sản xuất, cơ cấu đến 2035. Ngoài ra, tổng công ty cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương với dự án đầu tư đội tàu bay thân hẹp.
Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua các giải pháp để gỡ khó cho hãng hàng không từ ảnh hưởng của đại dịch. Theo đó, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo hai giai đoạn, khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.
Đối với giai đoạn 1, Vietnam Airlines sẽ tăng vốn điều lệ thêm 9.000 tỷ đồng. Trong đó, Quốc hội giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu của Vietnam Airlines. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Đối với giai đoạn 2, Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép Vietnam Airlines tăng vốn thêm tối đa 13.000 tỷ đồng, giao Chính phủ chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Quốc hội còn cho phép Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, sau thời điểm này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.