Vietnam Airlines kích hoạt siêu dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp
Với quy mô vốn lên tới 3,587 tỷ USD, Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp được kỳ vọng sẽ giúp Vietnam Airlines giữ vững thị phần vận chuyển hành khách tại nội địa và các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á trong 5 - 10 năm tới.

Rõ cơ cấu nguồn vốn
Với sự thống nhất gần như tuyệt đối, các cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 tổ chức vào giữa tuần trước của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
“Đây là dự án đầu tư đội tàu bay lớn nhất của Vietnam Airlines kể từ khi được thành lập vào năm 1995”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ mua mới 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế (>160 ghế) tương đương cấu hình của dòng tàu bay A320Neo/B737Max (bao gồm động cơ treo trên cánh, các thiết bị chọn thêm) và 10 động cơ dự phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư 3,587 tỷ USD (tương đương 92.379,848 tỷ đồng) này sẽ có thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2050, trong đó các tàu bay sẽ được các đơn vị cung cấp bàn giao cho Vietnam Airlines đưa vào khai thác trong giai đoạn 2030 - 2032.
Vietnam Airlines dự kiến sử dụng kết hợp nguồn vốn tự có và vốn huy động từ bên ngoài/bán và thuê lại (Sale and Leaseback - SLB) tàu bay để tài trợ Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
- Số lượng tàu thân hẹp đang được tính dựa trên giả định về dòng tàu bay có cấu hình tương ứng đội bay A320/A321 hiện tại, số lượng có thể thay đổi, phụ thuộc vào dòng tàu bay sử dụng.
- Dự kiến từ sau năm 2025, Vietnam Airlines sẽ bán dần đội tàu bay ATR và đang nghiên cứu phương án thay thế đội bay này bằng tàu bay phản lực loại nhỏ (regional jet – khoảng trên dưới 100 ghế).
- Nhu cầu tàu bay nêu trên đã bao gồm đánh giá ảnh hưởng của các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, Hãng sẽ sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 1,6 tỷ USD (tương đương 43.000 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 46,4% tổng mức đầu tư để đối ứng mua tàu bay, mua động cơ dự phòng và thanh toán các khoản chi phí khác.
Nguồn vốn vay với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (tương đương 49.400 tỷ đồng) sẽ được Vietnam Airlines thanh toán các khoản trả trước cho nhà sản xuất và thanh toán tiền mua tàu bay còn lại tại thời điểm nhận tàu.
Bên cạnh đó, để giảm áp lực tài chính và đảm bảo cân đối nguồn vốn, Vietnam Airlines sẽ áp dụng cấu trúc SLB cho 25 tàu bay, dự kiến thu về 1,6 tỷ USD (tương đương 42.000 tỷ đồng). “Do việc tiếp nhận các tàu bay được trải đều từng tháng trong giai đoạn 2030 - 2032 (dự kiến mỗi tháng tiếp nhận không quá 2 tàu bay) nên việc thực hiện SLB đối với 25 tàu song song với việc tiếp nhận thêm các tàu bay sở hữu mới sẽ giúp Vietnam Airlines giảm áp lực dòng tiền và có cơ cấu tài sản phù hợp (tài sản thuê - tài sản sở hữu)”, ông Tạ Mạnh Hùng, thành viên HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Trong khi đó, phương án sử dụng vốn chủ sở hữu đã được tính toán trong tổng thể vốn chủ sở hữu cần cân đối cho các dự án đầu tư của Tổng công ty, đặc biệt khi trong giai đoạn 2030-2035, Vietnam Airlines sẽ triển khai cả 2 dự án mua sắm tàu bay lớn là Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp và Dự án đầu tư tàu bay thân rộng (khoảng 20 tàu bay).
Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 dự án nói trên lên đến hơn 200.000 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn chủ sở hữu giai đoạn 2030-2035 của Tổng công ty sẽ đạt xấp xỉ 45.000 - 52.000 tỷ đồng với giả định Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn 2 đợt (đợt 1 dự kiến 9.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành năm 2025 và đợt 2 dự kiến quy mô 13.000 tỷ đồng sẽ triển khai trong các năm tiếp theo), đồng thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu đội tàu bay, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để bổ sung dòng tiền và nguồn vốn chủ sở hữu.
“Hiện phương án SLB 25 tàu bay thuộc Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có tính khả thi cao do nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác lớn trên thị trường. Tổng công ty cũng đã tiến hành làm việc sơ bộ với cơ quan tín dụng xuất khẩu và khảo sát các tổ chức tín dụng, các đối tác tiềm năng trong ngoài nước và nhận được sự quan tâm của các bên trong việc tài trợ đội tàu bay”, ông Tạ Mạnh Hùng cho biết.

Đề xuất chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp
Ngay từ năm 2017, Vietnam Airlines đã bắt đầu triển khai báo cáo các cấp có thẩm quyền theo thủ tục đầu tư dự án cho giai đoạn 2021-2025 với số lượng 50 tàu bay thân hẹp thế hệ mới, dòng A320Neo Family hoặc B737Max Family.
Đến năm 2019, ĐHĐCĐ Vietnam Airlines đã ban hành Nghị quyết số 02/ĐHĐCĐ ngày 10/5/2019 thông qua chủ trương đầu tư để xây dựng Dự án mua 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng, gây ra tình trạng dư thừa số lượng lớn tàu bay của Vietnam Airlines giai đoạn 2020-2021 và làm thay đổi toàn bộ kế hoạch phát triển đội bay của Vietnam Airlines trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tại thời điểm đó, Vietnam Airlines vẫn đang trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, nên Vietnam Airlines đã dừng triển khai Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025.
Kể từ năm 2023 đến nay, thị trường hàng không trong và ngoài nước đã phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn với trước Covid-19 và đang duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm, nên Vietnam Airlines phải khởi động lại Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp để đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra.
“Các tàu bay thân hẹp thế hệ mới sẽ bảo đảm khai thác một phần quan trọng trong mạng đường bay của Vietnam Airlines, gồm các đường bay nội địa trên trục Bắc - Nam và tại 2 thị trường trọng điểm Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Ước tính, Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp sẽ giúp Vietnam Airlines vận chuyển trung bình gần 32 triệu lượt khách mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030”, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết.
Thế khó của Vietnam Airlines trong quá trình thực hiện Dự án là nhu cầu về tàu bay trên thế giới đang tăng cao. Các đơn hàng tồn đọng của Airbus và Boeing đã lên tới hàng ngàn chiếc. Trong trường hợp đặt cọc ngay từ đầu năm 2025, thì nhanh nhất phải sau 5 năm, nhà sản xuất mới có thể bàn giao tàu bay cho hãng hàng không.
Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai đáp ứng tính cấp bách của Dự án, Vietnam Airlines đã kiến nghị lãnh đạo Chính phủ cho phép Tổng công ty được áp dụng hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp là nhà sản xuất tàu bay.
Vietnam Airlines cũng đề xuất Chính phủ cho phép vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, vừa đàm phán với 2 nhà sản xuất tàu bay là Airbus, Boeing và được phép tiến hành đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay.
Trường hợp được sự chấp thuận của Thủ tướng, Vietnam Airlines sẽ tiến hành đàm phán với Airbus và Boeing, yêu cầu nhà sản xuất chào bản chào cuối cùng và tốt nhất (BAFO), đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp tàu bay trên cơ sở các điều kiện của BAFO, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Căn cứ vào kết quả BAFO, Vietnam Airlines sẽ chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 110/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay để thực hiện Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, việc được áp dụng hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất tàu bay sẽ rút ngắn thời gian lựa chọn nhà cung cấp tàu bay, giúp Tổng công ty nhanh chóng hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà cung cấp tàu bay.
Yếu tố này rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, do nhu cầu tăng cao, các nhà sản xuất tàu bay yêu cầu phải nhanh chóng có thỏa thuận chính thức trong tháng 5/2025 để giữ lịch giao tàu và không bị tăng giá.
Đồng thời, hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp với cả hai nhà sản xuất Airbus và Boeing đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, giúp Vietnam Airlines đạt được các bản chào tốt nhất.
“Trường hợp các bên chưa đạt được thỏa thuận chính thức trong tháng 5/2025, có thể dẫn đến việc lịch giao tàu bay bị đẩy lùi sang giai đoạn 2031-2032 với rủi ro thay đổi về các điều kiện thương mại (giá bán, các hỗ trợ giảm giá, hỗ trợ sau bán, lịch thanh toán đặt cọc). Việc tàu bay tăng giá có thể làm thay đổi tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của Dự án”, lãnh đạo Vietnam Airlines phân tích.