Vietnam Airlines sẽ làm gì với 8.000 tỉ đồng tăng vốn?

Vietnam Airlines dự kiến chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ 8.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Ngày 29-12, Vietnam Airlines (mã HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 với sự tham dự của đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC), đại diện Bộ Giao thông Vận tải và các cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.

Đại hội đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty hàng không Việt Nam, kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đồng thời thông qua phương án kiện toàn Hội đồng quản trị của Vietnam Airlines theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trình bày phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trình bày phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng

Theo đó, Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Hiện nhà nước sở hữu hơn 86% cổ phần tại Vietnam Airlines, cổ đông chiến lược ANA Holdings nắm 8,7%, còn lại là các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân.

Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).

Vietnam Airlines sẽ sử dụng 8.000 tỉ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến phát hành cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm 2021

Bên cạnh chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, Đại hội cũng đã kêu gọi các cổ đông khác cổ đông nhà nước cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ động và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không. Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay (giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn) theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ động nhà nước (sau khi được Chính phủ phê duyệt). Thời hạn cho vay: 3 năm.

Trước đó, hãng đã kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19.

Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Cuối tháng 11, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

D.Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-thu-nam-2020-cua-vietnam-airlines-vuot-ke-hoach-2020122909134428.htm