VietnamPlus được xướng tên tại Giải Báo chí '75 năm Quốc hội Việt Nam'
Nhà báo Ngọ Xuân Quảng của Báo Điện tử VietnamPlus đã đoạt Giải C với tác phẩm 'Đổi mới-dấu ấn đặc biệt trong hoạt động của Quốc hội năm 2020' tại Giải Báo chí '75 năm Quốc hội Việt Nam.'
Tối 4/1, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” chào mừng 75 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021).
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại giải thưởng này, Thông tấn xã Việt Nam vinh dự giành nhiều giải cao. Trong đó, tác giả Ngọ Xuân Quảng của Báo Điện tử VietnamPlus đã đoạt Giải C với tác phẩm “Đổi mới-dấu ấn đặc biệt trong hoạt động của Quốc hội năm 2020”; nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Điệp, Trương Thị Diệp, Nguyễn Việt Đức với tác phẩm “Việt Nam trong ngôi nhà chung AIPA” đoạt Giải B; tác giả Nguyễn Trọng Đức, phóng viên Ban biên tập Ảnh đoạt Giải B với tác phẩm ảnh “Thăm hỏi, tặng quà đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh tháng 10/2016.”
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” cho biết: Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ Tổng kết và trao Giải Báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam.” Đây là lần thứ hai Văn phòng Quốc hội tổ chức giải thưởng báo chí viết về đề tài Quốc hội, mang ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Đồng hành với quá trình phát triển của Quốc hội luôn có vai trò quan trọng của báo chí với tính chất là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội. Báo chí đã thực sự trở thành cầu nối quan trọng giữa Quốc hội với cử tri. Qua phản ánh của báo chí, các đại biểu Quốc hội lắng nghe được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời báo chí cũng là công cụ truyền tải các ý kiến phân tích của các chuyên gia, các nhà khoa học để đại biểu Quốc hội có thêm luận chứng, luận cứ khi tham gia phát biểu tranh luận trên diễn đàn của Quốc hội...
Việc tổ chức giải báo chí viết về đề tài Quốc hội lần thứ hai sẽ góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng tác phẩm báo chí, ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; góp phần cổ vũ, động viên nhân dân cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau hơn 4 tháng phát động, Ban Tổ chức giải đã nhận được gần 500 tác phẩm của 51 cơ quan báo chí bao gồm các thể loại: Báo in, báo hình, báo điện tử, phát thanh, ảnh báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham gia. Qua cuộc thi cho thấy, các nhà báo, các cơ quan báo chí đã đặc biệt quan tâm viết về đề tài Quốc hội, trong đó có nhiều tác phẩm được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Chất lượng nội dung các tác phẩm khá đồng đều, phong phú về nội dung, đề tài, bảo đảm thông tin bám sát chủ đề tuyên truyền lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam, về lịch sử hình thành, phát triển hoạt động của Quốc hội, về đổi mới của Quốc hội, các cơ quan bộ máy của Quốc hội, bộ máy giúp việc của Quốc hội, về kết quả hoạt động ngoại giao Nghị viện và hội nhập quốc tế, văn hóa nghị trường, hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các tác phẩm bảo đảm thông tin thời sự nhanh nhạy, sinh động về các chủ đề gắn với các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các vấn đề đời sống, an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; phản ánh kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng, đề xuất của cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, chân dung nhiều đại biểu Quốc hội tiêu biểu trong lịch sử 75 năm qua đã được khắc họa rõ nét trong nhiều tác phẩm, có sức lan tỏa như tác phẩm về vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, về cụ Bùi Bằng Đoàn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, như các tác phẩm viết về thành tựu lập pháp của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Điện tử, truyền thông trong xây dựng luật, nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội để phòng chống tham nhũng, lãng phí hoặc phản ánh vấn đề rất mới hiện nay như: Xây dựng chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Một số tác phẩm có chất lượng tốt phản ánh chuyên sâu về các dự án luật, pháp luật về Quốc phòng, đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống…
Về hình thức thể hiện, nhiều tác phẩm dự giải được đầu tư bài bản, dàn dựng công phu mang đậm đặc trưng của loại hình báo chí như các chương trình giao lưu, tọa đàm trên sóng phát thanh, truyền hình, các loạt bài quy mô lớn đăng nhiều kỳ trên báo in, các tác phẩm mang tính tư liệu lịch sử được phân tích logic, thuyết phục, các phim tài liệu…
Trong số gần 500 tác phẩm dự thi, Ban Giám khảo đã chọn hơn 90 tác phẩm tiêu biểu vào vòng chung khảo. Có 43 tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn, trình Hội đồng Giám khảo quyết định trao Giải A, B, C, Khuyến khích./.