Vietravel Airlines gấp rút hoàn thiện thủ tục để 'chào sân'
Chậm nhất tháng 1/2021 Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) phải hoàn tất mọi thủ tục để cất cánh nếu không muốn phải 'quay trở về vạch xuất phát', tức là thực hiện lại bước xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển là cơ sở pháp lý quan trọng để Vietravel Airlines có thể tham gia khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ cho công chúng, doanh nghiệp này vẫn cần phải có Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, thời gian để Vietravel Airlines hoàn thiện các thủ tục này không còn nhiều.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chậm nhất tháng 1/2021 Vietravel Airlines phải hoàn tất mọi thủ tục để cất cánh nếu không muốn phải “quay trở về vạch xuất phát”, tức là thực hiện lại bước xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đại diện Vietravel Airlines cho biết, để có tàu bay khai thác và xin Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), trước thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Vietravel Airlines đã tìm kiếm và đàm phán thuê tàu bay của các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, VietJet Air và của các đối tác nước ngoài như thuê B737-800 của ATTECH Holding Ltd, A321 của MG...
Đến thời điểm hiện nay Vietravel Airlines đã hoàn tất đàm phán để ký hợp đồng thuê khô 1 tàu bay A321 Neo và 2 tàu bay A321 Ceo.
Ngày 10/9/2020, Văn phòng Chính phủ phát đi yêu cầu lấy ý kiến các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước VN và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Các cơ quan cần có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ GTVT trước ngày 14/9/2020 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định. Nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đảm bảo phù hợp với Quyết định số 457/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.
Theo kế hoạch, Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Đánh giá về tác động thị trường khi thêm 1 hãng hàng không mới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, định hướng của Vietravel Airlines không quá phụ thuộc thị trường hàng không quốc tế nên khả năng chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vào giai đoạn đầu tham gia thị trường (dự kiến đầu năm 2021) là không quá lớn.
Còn theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với quy mô đội tàu bay trong 3 năm đầu là 3-6 tàu, đạt 8 tàu vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5-3% về số lượng trong giai đoạn 2021-2023. Nếu tính theo lượng ghế cung ứng, tỉ lệ này chỉ chiếm 1-2%. Do vậy, về tổng thể, sự góp mặt của Vietravel Airlines tác động không đáng kể đến tình hình khai thác vận chuyển hàng không Việt Nam.