Vietravel nói gì sau khi bị 'nghi ngại' về năng lực tài chính hãng bay?
Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có yêu cầu làm rõ năng lực tài chính của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) trước khi hãng hàng không này được cấp phép bay trong thời điểm công ty mẹ là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) gặp khó vì dịch Covid-19. Và Vietravel cũng đã có văn bản phản hồi về vấn đề này.
Sau khi Bộ Tài chính ra văn bản bày tỏ sự e ngại về khả năng lo vốn cho Vietravel Airlines, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng đã có văn bản khẳng định doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để duy trì mức vốn tối thiểu cho hãng bay hoạt động.
Cam kết mức vốn 700 tỉ đồng cho hãng bay
Vietravel cho hay hoạt động trong lĩnh vực lữ hành có nhiều đặc điểm khác biệt, đặc thù hơn so với hoạt động kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh khác. Vì vậy đặc điểm hoạt động tài chính của các doanh nghiệp lữ hành cũng khác biệt.
Cụ thể, đặc thù kinh doanh lữ hành là thu tiền trước của khách hàng (future sales) và trả sau cho đối tác, do đó khoản phải trả cho người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước có số tuyệt đối khá cao, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, xấp xỉ 700 tỉ đồng.
Với số vốn điều lệ là 173 tỉ đồng, Vietravel đạt doanh số năm 2019 là 8.400 tỉ đồng (tương đương 360 triệu đô la Mỹ). Bình quân Vietravel thu vào 1 triệu đô la/ngày, thời gian thu tiền trước của khách hàng trung bình là 30-45 ngày. Hãng trả cho tiền cho đối tác sau 45-60 ngày.
Theo đó, công ty đảm bảo luôn có một dòng tiền từ 35-40 triệu đô la để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Theo ông Kỳ, về lý thuyết đây nguồn vốn ngắn hạn (tạm thời), nhưng được bổ sung thường xuyên và ổn định trong hoạt động kinh doanh của Vietravel. Do đó, trên thực tế đây là nguồn vốn thường xuyên của công ty.
Lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp luôn đạt ở mức trên 45-60% và hiện Vietravel được rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức định chế tài chính quan tâm đầu tư và tài trợ vốn. Vietravel được các ngân hàng lớn nhất Việt Nam như VCB, BIDV và VietinBank ký hợp đồng cấp hạn mức tín dụng tín chấp 850 tỉ đồng.
Về rủi ro vận hành trong mùa dịch Covid-19, đại diện Vietravel cũng cho rằng đại dịch làm giảm cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường vận tải hàng không Việt Nam nhưng ảnh hưởng không quá lớn tới Vietravel Airlines. Lý do là quy mô của Vietravel Airlines nhỏ và hãng có sẵn thị trường khách du lịch của Công ty Vietravel.
Cục Hàng không nhận định Vietravel đáp ứng đủ vốn
Đai diện Vietravel cũng thông tin với TBKTSG Online rằng, mới đây Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có báo cáo cho rằng Vietravel đáp ứng điều kiện vốn. Đồng thời, cơ quan này cho rằng Bộ Tài chính không nhận được hồ sơ của Vietravel Airlines kèm theo công văn 7472/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ nên chưa có đủ thông tin về việc xác nhận vốn.
Theo Cục Hàng không, nghị định số 89/2019/NĐ-CP về kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 máy bay là 300 tỉ đồng, khai thác từ 11 đến 30 máy bay là 600 tỉ đồng, khai thác trên 30 máy bay là 700 tỉ đồng.
Vietravel Airlines đã nộp bản chính giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) ngày 29-6 của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng với số tiền 700 tỉ đồng, đáp ứng quy định về vốn tối thiểu quy định của Nghị định 89 với quy mô khai thác đến 30 máy bay, phạm vi khai thác quốc tế và nội địa.
Về năng lực tài chính của chủ sở hữu Vietravel Airlines (Vietravel), Cục Hàng không cho biết, theo quy định tại nghị định 89, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chỉ yêu cầu chủ sở hữu có xác nhận vốn được phong tỏa trong thời gian thẩm định hồ sơ. Sau khi đi vào khai thác, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ tiếp tục đảm bảo công tác giám sát việc duy trì vốn pháp định của hãng hàng không theo quy định.
Do vậy, cũng như các báo cáo trước đó, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện theo quy định và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines theo quy định.
Trước đó, trong một văn bản được Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng, để có được nguồn vốn thành lập Vietravel Airlines theo như yêu cầu về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Vietravel (sở hữu 100% vốn hãng bay) đã phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trị giá 700 tỉ đồng có thời hạn 2 năm (đến hạn thanh toán gốc lãi vào tháng 9-2021).
Số vốn đầu tư hãng bay được phong tỏa trong tài khoản của Ngân hàng VP Bank như quy định. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp vừa không được sử dụng số tiền này, vừa gần đến hạn thanh toán. Trong khi tình hình tài chính có những con số đáng chú ý: Đến 30-6-2020, tổng nợ phải trả của Công ty mẹ là 1.578 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 862 tỉ đồng và số còn lại là nợ dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 942 tỉ đồng (hơn 60% tổng nợ phải trả).
Những con số nêu trên dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietravel hiện lên tới 10,8 lần, cao hơn gấp 3 hệ số nợ phải trả/vốn chủ của các doanh nghiệp có tình hình tài chính bình thương. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn 0,82 lần, tức là khả năng trả nợ đến hạn rất thấp. Lợi nhuận trước thuế âm 65 tỉ đồng.
V.Dũng