Viettel: Kết nối thông tin an toàn thực phẩm

Việc xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm (ATTP) quốc gia hoàn chỉnh không chỉ phục vụ công tác quản lý mà quan trọng hơn là huy động cả cộng đồng cùng tham gia đánh giá, nhận diện, nhân rộng những mô hình tốt; đấu tranh, lên án các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

 Viettel phối hợp với đơn vị liên quan kết nối thông tin ATTP quốc gia

Viettel phối hợp với đơn vị liên quan kết nối thông tin ATTP quốc gia

Chia sẻ tại Hội thảo "Ngành Công Thương bảo đảm công tác ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng (NTD)", do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức mới đây, ông Lưu Xuân Huẩn - đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp (DN) Viettel - cho biết: Hiện nay, nhiều thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương như: Số liệu thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… được thu thập, xử lý báo cáo chủ yếu dựa trên hệ thống báo hành chính. Do đó, việc xử lý dữ liệu về ATTP kéo dài, chưa cập nhật kịp thời và thiếu sự thống nhất. Bên cạnh đó, các kênh thông tin rời rạc, thiếu tin cậy, chưa có kênh tương tác, phản hồi cảnh báo, tương tác hai chiều từ cơ quan quản lý (CQQL) và DN.

Đại diện Tổng công ty Giải pháp DN Viettel cho hay, NTD cần biết được những thông tin về sản phẩm và DN; địa điểm mua sắm và thông tin ATTP để tin tưởng sử dụng. Cùng đó, NTD có nhu cầu phản ánh về những tình huống mất vệ sinh ATTP, họ cần có sự tương tác 2 chiều với CQQL và DN để giảm thiểu tình trạng mất vệ sinh ATTP, ảnh hưởng đến quyền lợi và chất lượng cuộc sống.

Về phía DN, mỗi cơ sở đều có nhu cầu công bố thông tin, chứng chỉ vệ sinh ATTP mà sản phẩm đã đạt được, tiếp cận tốt nhất với NTD để có được sự tin tưởng. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các cơ sở, DN cũng quan tâm đến văn bản quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về xuất, nhập khẩu kinh doanh ATTP. Các văn bản này thường không được tập hợp cố định nên khi cần tìm kiếm rất mất thời gian. Do vậy, yêu cầu đặt ra là làm sao để các DN tiếp cận nhanh nhất đến văn bản, giấy tờ tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP. DN cũng muốn tương tác kịp thời với CQQL để có hướng giải quyết; nhận những cảnh báo về hàng giả, hàng nhái…

Ngoài ra, cả NTD và DN đều mong muốn tiếp cận được những kiến thức, thông tin về ATTP kịp thời của các CQQL nhà nước, cũng như việc hướng dẫn làm thế nào để lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn…

Từ những yêu cầu thực tế, Viettel đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng xây dựng Hệ thống thông tin ATTP quốc gia. Hệ thống hướng tới thực hiện Kết luận 536/TB-VPCP T11/2018 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai Hệ thống thông tin ATTP quốc gia tập trung vào ba đối tượng: CQQL - DN - NTD. Trong ba đối tượng này, có thể tương tác hai chiều được với nhau. Cổng thông tin sẽ tập trung, tin cậy để NTD dùng tiếp cận, tra cứu thông tin về sản phẩm, DN, cung cấp các kiến thức và hướng dẫn chi tiết về vấn đề vệ sinh ATTP. DN thực hiện tốt các quy định về vệ sinh ATTP, cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm cho NTD, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, truyền thông của CQQL, phổ biến kiến thức vệ sinh ATTP kịp thời tới DN và NTD.

Hệ thống thông tin ATTP quốc gia đang được thực hiện với sự phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo lộ trình, đến tháng 8/2019, sẽ báo cáo Phó Thủ tướng chi tiết về chức năng hoạt động, có thể chính thức đưa vào hoạt động cuối năm 2019 - đầu năm 2020, với mục tiêu từng bước nâng cao năng lực quản lý của CQQL nhà nước, từng bước giúp DN và NTD cải thiện chất lượng vệ sinh ATTP.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viettel-ket-noi-thong-tin-an-toan-thuc-pham-123498.html