VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 20.793 tỷ đồng
Năm 2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất mục tiêu đạt 20.793 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.076 tỷ đồng. Đây là những nội dung trọng tâm trong kế hoạch kinh doanh năm 2025 được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC thông qua vào ngày 9/7.

Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC.
Kết quả kinh doanh năm 2024 vượt xa kế hoạch
Tại đại hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIMC cho biết, năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp hậu đại dịch, đơn vị đã vượt qua thách thức để lấy lại đà tăng trưởng.
Kết quả kinh doanh năm 2024 của VIMC vượt xa kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, Công ty mẹ VIMC đạt doanh thu 3.155 tỷ đồng (hoàn thành 131% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 1.353 tỷ đồng (tương đương 145% kế hoạch).
Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty cũng rất ấn tượng: doanh thu 19.235 tỷ đồng (đạt 143% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 3.153 tỷ đồng (tương đương 115% kế hoạch).
“Đây là những con số tăng trưởng xuất sắc, phản ánh nỗ lực không ngừng và hiệu quả quản trị, điều hành của VIMC trong năm qua”, Chủ tịch HĐQT VIMC khẳng định.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Chủ tịch HĐQT VIMC.
Trước đó, giai đoạn 2020–2025 chứng kiến những biến động chưa từng có đối với VIMC cũng như nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh đó, HĐQT VIMC đã nhận diện rõ khó khăn và đề ra các giải pháp kịp thời.
Sau thời gian dài gần như đóng băng đầu tư phát triển để tập trung tái cơ cấu, VIMC đã bắt đầu triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và nâng cấp năng lực.
Với định hướng chiến lược tập trung vào hạ tầng cảng biển, logistics, VIMC đã và đang đầu tư mở rộng các cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế như: dự án nâng cấp, mở rộng bến số 1 Cảng Quy Nhơn; xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); xúc tiến Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)…
Bên cạnh hạ tầng cảng, VIMC cũng chú trọng phát triển đội tàu; đổi mới về quản trị doanh nghiệp, áp dụng nhiều phương thức quản trị tiên tiến, hiện đại theo thông lệ quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản trị và có chính sách hấp dẫn để thu hút, giữ chân nhân tài.
Đồng thời, tập trung phát triển các trung tâm logistics nội địa (ICD) tại các vùng kinh tế trọng điểm với định hướng xây dựng chuỗi dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện trên phạm vi cả nước.
Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như: dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang (Hải Dương); dự án Trung tâm dịch vụ Logistics tại Hòa Vang (Đà Nẵng); nghiên cứu các trung tâm logistics, ICD tại Bình Định, Tây Ninh, Lạch Huyện (Hải Phòng)....
Nhờ sự nỗ lực, VIMC đã xóa hết lỗ lũy kế vào cuối năm 2023 và có lợi nhuận để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông lần đầu sau nhiều năm.
6 nhóm giải pháp bứt phá trong kỷ nguyên mới
Bước vào giai đoạn 2025–2030, VIMC đặt ra tầm nhìn chiến lược dài hạn nhằm giữ vững đà tăng trưởng và bứt phá trong kỷ nguyên mới.
HĐQT VIMC xác định sẽ tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển 2021–2030, tầm nhìn 2035 đã đề ra, đồng thời cập nhật linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Năm 2025, với vai trò là năm bản lề chuyển tiếp giữa hai giai đoạn chiến lược, VIMC đặt mục tiêu hoàn thành tối thiểu 100% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Để hiện thực hóa mục tiêu, VIMC tập trung triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp lớn.
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics và phát triển đội tàu.
Theo đó, Tổng công ty tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là xây dựng các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế và hệ thống ICD tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, đầu tư đóng mới các tàu thế hệ mới, tàu kỹ thuật cao, ưu tiên phát triển đội tàu container hiện đại nhằm nâng cao năng lực vận tải biển của VIMC.
Thứ hai, xây dựng mô hình kinh doanh tập trung, linh hoạt, hướng tới khách hàng. Tổng công ty sẽ tái cơ cấu mô hình hoạt động theo hướng chuẩn hóa và linh hoạt để thích ứng nhanh với thị trường, thúc đẩy tăng trưởng đột phá.
VIMC sẽ phát triển các gói dịch vụ tích hợp cảng biển- vận tải biển- logistics với mức độ tự động hóa, kết nối cao; mở rộng dịch vụ vận tải đa phương thức và logistics dựa trên ứng dụng công nghệ để giảm chi phí logistics và tăng giá trị cho khách hàng.
“Song song, Tổng công ty sẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn đọng tài chính, cơ cấu lại công nợ của một số doanh nghiệp thành viên và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn, tài sản trong toàn hệ thống, đảm bảo khai thác nguồn lực hiệu quả, tạo ra lợi nhuận cao nhất cho cổ đông”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy. VIMC sẽ đẩy mạnh chương trình cơ cấu lại doanh nghiệp với trọng tâm là các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy tinh gọn, linh hoạt, loại bỏ các vướng mắc tồn đọng, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thứ tư, mở rộng hợp tác quốc tế. VIMC xác định hội nhập là hướng đi quan trọng, tích cực tìm kiếm và kết nối với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm và tiềm lực. Đồng thời, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, đối tác tài chính cùng tham gia phát triển các dự án cảng biển lớn, mở rộng đội tàu container và chuỗi dịch vụ logistics”.
Bên cạnh đó, VIMC sẽ tăng cường hợp tác với các cảng biển và hãng tàu uy tín trên thế giới để phát triển tuyến vận tải biển quốc tế, mở rộng thị trường dịch vụ logistics kết nối trực tiếp mạng lưới cảng của VIMC với toàn cầu.
Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững. VIMC xem việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiện đại là động lực đột phá trong giai đoạn tới.
Tổng công ty sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như tự động hóa, IoT, blockchain, điện toán đám mây... nhằm số hóa toàn diện hoạt động vận hành khai thác.
Song hành với chuyển đổi số, VIMC còn chú trọng chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng trong hoạt động.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, vừa mang bản sắc riêng vừa tạo môi trường làm việc năng động, hiệu quả. VIMC sẽ triển khai các giải pháp toàn diện nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác tuyển dụng và trọng dụng nhân tài được đổi mới theo hướng minh bạch, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực.