VIMC năm 2024 hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận

Năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đạt sản lượng hàng hóa thông qua cảng hơn 145,27 triệu tấn, tăng 27% so với năm 2023; sản lượng vận tải biển đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% so với kế hoạch.

VIMC hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận

VIMC hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận

Chiều 6/1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Hội nghị Triển khai công tác xây dựng đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025. Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, năm qua, VIMC đạt được những thành tựu đáng kể, sản lượng hàng hóa và sản lượng vận tải biển đều có sự tăng trưởng so với năm 2023. VIMC luôn tìm kiếm và tạo động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển, vận tải biển, logistics, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững các hoạt động cốt lõi, giữ vững và phát triển thị trường, thị phần.

Năm 2024, VIMC doanh thu đạt 24.813 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4.940 tỷ đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh năm qua đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch khi doanh thu vượt 135% và lợi nhuận vượt 128%.

Có được kết quả này, VIMC đã rất thành công trong hoạt động hợp tác quốc tế khi phát triển 10 tuyến dịch vụ container mới kết nối Việt Nam với châu Âu. Đặc biệt hệ thống cảng của VIMC đã tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho toàn bộ các hãng tàu Top 10 thế giới. Triển khai các thỏa thuận trước đây đã ký kết với Tập đoàn MSC, VIMC thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.

Đồng thời, VIMC đã tích cực triển khai và cơ bản hoàn thành các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đây là dự án có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới và hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế.

Thời gian qua, VIMC tập trung phát triển hệ thống cảng trung chuyển quốc tế, nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi vận tải toàn cầu, Tổng công ty đã thành lập Công ty Cổ phần Vận tải container VIMC để thiết lập và mở các tuyến vận tải container nội Á tiến tới mở ra các tuyến vận tải toàn cầu.

Cùng với việc nâng cấp hạ tầng cảng biển, VIMC đặt mục tiêu phát triển nhanh đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới. Bằng cách này, VIMC không chỉ tận dụng được các khách hàng lẫn thị trường sẵn có của đối tác, mở rộng mạng lưới vận tải nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các đại biểu tại Hội nghị

Các đại biểu tại Hội nghị

Năm 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, VIMC tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững các hoạt động cốt lõi, quyết tâm giữ vững và phát triển thị trường, thị phần đồng thời tìm kiếm và tạo động lực tăng trưởng mới trên cơ sở hệ sinh thái cảng biển, vận tải biển, logistics.

VIMC phấn đấu đưa dự án bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện vào khai thác trong quý I/2025. Đồng thời, VIMC chú trọng đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cùng với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ nâng tầm cạnh tranh của Việt Nam về cảng biển trong khu vực, từ đó sản lượng vận tải sẽ tăng trưởng (cảng biển nước ta năm nay đạt 30 triệu Teus). Đây là sứ mệnh của VIMC để đưa ngành Hàng hải nâng tầm cạnh tranh quốc gia; các hoạt động dịch vụ đổi mới không còn dịch vụ truyền thống ít giá trị, kết nối chuỗi trong hệ sinh thái nhằm cung cấp trong hệ thống cảng biển, dịch vụ, logistics, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh nhấn mạnh.

Bảo Châu

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/vimc-nam-2024-hoan-thanh-vuot-muc-cac-chi-tieu-ve-san-luong-doanh-thu-va-loi-nhuan-183250106173831568.htm