VinaCapital kỳ vọng kinh tế Việt Nam trở lại đúng tiềm năng trong năm 2023

VinaCapital kỳ vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại thể hiện đúng với tiềm năng trong năm nay.

Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Flexcom Việt Nam, tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Nền kinh tế đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn khi giai đoạn bùng nổ sau COVID-19 đã kết thúc. Chuyển động thị trường chứng khoán gần đây đã cho thấy giai đoạn giảm điểm của VN-Index đang kết thúc.

VinaCapital kỳ vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại thể hiện đúng với tiềm năng trong năm nay.

Trong bài phân tích “Hướng đến 2023” vừa công bố, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng giảm tốc từ 8% năm 2022 xuống 6% năm 2023, một phần do nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy vậy, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 2% thông qua tăng trưởng du lịch nước ngoài. Đồng thời, tăng trưởng cũng được hỗ trợ từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công khi định hướng mục tiêu tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ khoảng 4% GDP vào năm 2022 lên 7% GDP (tương đương khoảng 30 tỷ USD) vào năm 2023.

Trong dài hạn, VinaCapital cho rằng, việc dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam; quá trình đô thị hóa và nhân khẩu học sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu mới nổi và tiêu dùng nội địa Việt Nam… sẽ là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, VinaCapital kỳ vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong năm nay. Giá trị của VND đã mất giá 3% trong năm 2022, trong khi các các đồng tiền trong khu vực thị trường mới nổi mất giá 7%. Năm 2023, VinaCapital nhận định giá trị đồng VND sẽ tăng 2-3%.

Về lạm phát, CPI của Việt Nam trung bình là 3% trong năm 2022 thấp hơn nhiều so với các thị trường cận biên/mới nổi trên thế giới. VinaCapital dự báo chỉ số này của Việt Nam sẽ tăng lên 4% trong năm 2023, phần lớn là do Trung Quốc mở cửa trở lại có khả năng gây áp lực lên giá thực phẩm và năng lượng tại Việt Nam.

Đối với thị trường chứng khoán, ông Michael Kokalari cho rằng, giai đoạn giảm điểm của VN-Index đang kết thúc và thị trường có sự đồng thuận về kỳ vọng VN-Index sẽ tăng hơn 20% với sự phục hồi về cơ bản là do sự cải thiện ở cả yếu tố trong nước và quốc tế vốn đã tạo áp lực lên thị trường trong năm ngoái.

Đặc biệt, áp lực lạm phát toàn cầu hiện đang giảm bớt. Điều này có nghĩa là việc tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương làm suy yếu các thị trường chứng khoán phát triển lẫn mới nổi vào năm ngoái có thể sẽ sớm kết thúc.

Trong nước, Chính phủ sẽ thực hiện các bước để giảm bớt các vấn đề thanh khoản hiện đang tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến việc nối lại khả năng tái cấp vốn cho các khoản nợ đáo hạn của các công ty Việt Nam.

“Việc niềm tin trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một quá trình kéo dài, nhưng định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vững chắc của thị trường có lẽ giải thích tại sao các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Việt Nam trị giá 1,1 tỷ USD trong hai tháng cuối năm 2022. Họ cũng là những người mua ròng trên thị trường Việt Nam cho cả năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 2019”, vị chuyên gia này đánh giá.

Với chủ đề đầu tư năm 2023, VinaCapital đánh giá cao nhóm tiêu dùng trong nước, cơ sở hạ tầng và đầu tư FDI. Đồng thời, bổ sung các đối tượng hưởng lợi từ lãi suất thấp và sự hợp nhất là hai chủ đề mới cho năm nay./.

H.Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vinacapital-ky-vong-kinh-te-viet-nam-tro-lai-dung-tiem-nang-trong-nam-2023/280111.html