Vinahud (VHD) nặng gánh lãi vay

Tính tới cuối tháng 3/2024, tổng nợ phải trả của Công ty cổ phần Phát triển nhà và Đô thị Vinahud (Vinahud, mã chứng khoán VHD) lên tới hơn 4.780 tỷ đồng, gấp 73 lần so với cuối năm 2021.

Vinahud được TPBank giải ngân 1.710 tỷ đồng để thực hiện 2 thương vụ M&A

Vinahud được TPBank giải ngân 1.710 tỷ đồng để thực hiện 2 thương vụ M&A

Kết quả kinh doanh trượt dài

Báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy, kết quả kinh doanh của Vinahud tiếp tục ảm đạm khi doanh thu đạt 50 tỷ đồng, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp giảm 67%, còn 2,6 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm 2024, Vinahud ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến từ 402 triệu đồng lên 11,2 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng 18,4 lần, từ 3 tỷ đồng lên 55,2 tỷ đồng, do chi phí lãi vay tăng từ 3 tỷ đồng lên gần 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, lên 8,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Vinahud lỗ sau thuế 51,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 593 triệu đồng.

Như vậy, Vinahud có quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ, nâng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3/2024 lên 186 tỷ đồng, kéo theo vốn chủ sở hữu xuống gần 194,6 tỷ đồng.

Tiền thân là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng phát triển nhà Vinaconex, trực thuộc Vinaconex, được thành lập năm 2000, quản lý đầu tư nhiều dự án lớn của công ty mẹ, nhưng hoạt động của Vinahud không mấy nổi bật. Tới đầu năm 2021, Vinaconex thoái vốn khỏi Vinahud, thay vào đó là sự xuất hiện của nhóm các cổ đông đến từ hệ sinh thái R&H Group.

Giai đoạn nhóm các cổ đông lớn đến từ R&H Group thâu tóm Vinahud cũng là giai đoạn cơ cấu nợ của doanh nghiệp này phình to. Lãi vay tăng cao là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Vinahud sụt giảm ngay trong năm thứ 2 khi sang tay chủ mới. Tới cuối tháng 3/2024, tổng nợ phải trả của Vinahud lên tới 4.781,7 tỷ đồng, gấp hơn 73 lần so với cuối năm 2021 - thời điểm R&H Group chính thức bước chân vào Vinahud. Trong đó, nợ vay dài hạn là gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 41,8% nợ phải trả.

Vay nợ để thực hiện M&A

Các khoản vay nợ chủ yếu được Vinahud thực hiện trong giai đoạn đầu năm 2023, cụ thể là các khoản tín dụng từ TPBank để tài trợ cho việc mua lại công ty con trong hệ sinh thái R&H Group của ông Trương Quang Minh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinahud đương nhiệm.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Vinahud ngày 12/4/2023 đã thông qua tờ trình nhận chuyển nhượng từ R&H Group 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends (Friends) với giá 987,5 tỷ đồng, 100% vốn điều lệ Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng. Tới cuối tháng 3/2024, TPBank đã giải ngân 1.710 tỷ đồng để Vinahud thực hiện 2 thương vụ này.

Friends được thành lập ngày 14/1/2020 với người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Hạnh, vốn điều lệ ban đầu 410 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm bà Phạm Thị Hạnh (sở hữu 70% vốn), ông Phạm Đăng Khoa (sở hữu 20% vốn) và ông Trương Quang Minh (sở hữu 10% vốn). Tới ngày 21/3/2023, cơ cấu cổ đông Friends thay đổi: R&H Group sở hữu 83% vốn và Vinahud sở hữu 17% vốn. Sau khi thành lập, Friends hầu như không hoạt động nên doanh thu nhiều năm chỉ là con số 0.

Tương tự, Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng thành lập ngày 3/3/2023, với vốn điều lệ gần 660 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Tuấn, đồng thời là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H (một thành viên trong hệ sinh thái R&H Group).

Hai thương vụ M&A diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 2.500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H đáo hạn (từ ngày 14/4 - 3/5/2023).

Liên quan đến hệ sinh thái R&H Group, trong năm 2023, Vinahud còn phát sinh nhiều khoản cho vay lớn với cá nhân và doanh nghiệp. Tính đến cuối quý I/2024, phải thu về từ cho vay của Vinahud là 1.054,5 tỷ đồng, bao gồm 510 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, 298,5 tỷ đồng từ bà Phạm Thị Hạnh (người đứng vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái R&H Group khi là cổ đông chính và đại diện nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này) cùng 184,9 tỷ đồng phải thu về từ cho vay các cá nhân, tổ chức khác.

Kế hoạch triển khai dự án năm 2024

Áp lực nợ vay lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ 4 quý liên tiếp của Vinahud.

Theo công bố của Vinahud, ngày 30/5/2024 là ngày giao dịch cuối cùng không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 24/6/2024. Ngày 9/5/2024, Vinahud công bố báo cáo thường niên 2023, hé lộ kế hoạch triển khai các dự án trong năm 2024.

Theo đó, Vinahud sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện khu thấp tầng (Villa) tại dự án Grand Mercure Hội An (Quảng Nam), dự án mà Công ty sở hữu 99,99% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải (chủ đầu tư); hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam (Hòa Bình); khởi công dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong (Hà Nội).

Dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong có quy mô 40 ha do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Prime Land (Prime Land) làm chủ đầu tư.

Việc Vinahud mua lại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng từ R&H Group gián tiếp giúp Vinahud sở hữu 39,732% cổ phần tại Prime Land (Mê Linh Thịnh Vượng sở hữu 27,8 triệu cổ phần Prime Land trước thời điểm Vinahud mua lại, vốn điều lệ Prime Land tại thời điểm mua là 699,3 tỷ đồng).

Trong báo cáo thường niên, Vinahud cho biết, trong năm qua, dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong đã hoàn thành việc gia hạn tiến độ thực hiện, Prime Land tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chuẩn bị công tác xây dựng, bán hàng; mục tiêu là hoàn thiện thủ tục theo quy định, cũng như hoàn thành công tác cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật để khởi công dự án trong năm 2024.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai dự án Khu nhà ở Làng Hoa Tiền Phong đối mặt với thách thức không nhỏ khi Vinahud đang gặp áp lực về tài chính. Tổng nợ phải trả ngắn hạn tới cuối quý I/2024 là 1.963,2 tỷ đồng, chỉ bằng 59% tài sản ngắn hạn (3.340,4 tỷ đồng), nhưng tài sản ngắn hạn chủ yếu là các khoản phải thu và hàng tồn kho (hàng hóa dở dang), còn số dư tiền mặt rất ít (9 tỷ đồng).

Phần lớn các khoản phải thu (1.765,1 tỷ đồng) là cho vay cá nhân và tổ chức liên quan đến hệ sinh thái R&H Group, bên cạnh các khoản phải thu góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư với các thành viên của hệ sinh thái này ở một số dự án mới nhưng chưa triển khai.

Trong khi đó, gần 99% hàng tồn kho (1.542,4 tỷ đồng) nằm tại dự án Grand Mercure Hội An. Triển khai từ năm 2019, nhưng dự án đã nhiều lần bị nêu tên chậm tiến độ bởi vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan công tác quy hoạch tại khu vực ven biển thị xã Điện Bàn, cũng như đấu nối hệ thống thoát nước thải sau xử lý... Đầu tháng 5/2024, dự án tiếp tục phải xin điều chỉnh và được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua kéo dài thời gian hoàn thành, dự kiến đến tháng 4/2026 mới đưa vào hoạt động.

Việt Dương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vinahud-vhd-nang-ganh-lai-vay-post345959.html