Vinasun và Grab tranh cãi gay gắt về thiệt hại

Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng nếu không có Grab thì doanh nghiệp này sẽ không bị sụt giảm lợi nhuận. Còn Grab khẳng định không kinh doanh cùng ngành nghề với Vinasun.

Tài xế Vinasun đeo khẩu trang dự phiên phúc thẩm vụ kiện Grab Sáng 10/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun với Grab. Nhiều tài xế Vinasun có mặt đeo khẩu trang tham dự.

Sáng 10/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2018, TAND TP.HCM đã bác bỏ khoản tiền 36,3 tỷ, chỉ buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng. Không đồng ý phán quyết này, Vinasun cùng Grab đã kháng cáo. Còn VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị bản án sơ thẩm.

Vinasun: Sụt giảm lợi nhuận do Grab

Tại tòa, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho rằng căn cứ vào các kết quả giám định cho thấy thiệt hại của Vinasun có thật. Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận, giảm giá trị vốn hóa thị trường.

Dựa vào Đề án 24, Grab khẳng định chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng thực tế Grab kinh doanh vận tải như dịch vụ taxi. Chính hành vi trái pháp luật của Grab là nguyên nhân dẫn gây nên thiệt hại cho Vinasun.

 Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: Văn Nguyện.

Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: Văn Nguyện.

Theo Vinasun, nếu Grab được phép kinh doanh cùng ngành nghề vận tải với Vinasun thì có thể nói sụt giảm của Vinasun do các yếu tố khác. Trong khi ở đây hoàn toàn do hành vi trái pháp luật của Grab. Nếu không có hoạt động của Grab như trợ giá khuyến mại, cuốc xe giá rẻ 0 đồng, khoản thưởng... thì sẽ không có sự dịch chuyển ồ ạt số lương khách hàng từ Vinasun sang Grab và số lượng xe nằm bãi gia tăng.

Lúc này, chủ tọa hỏi Vinasun có bao giờ nghĩ rằng do chất lượng xe kém, dịch vụ không tốt nên ảnh hưởng đến thị phần của mình hay không. Ông Quý cho biết Vinasun đã có cải tiến phương pháp quản trị riêng và những yếu tố như HĐXX nêu không phải là cơ sở giảm giá trị của doanh nghiệp.

"Tòa sơ thẩm vẫn cho rằng thiệt hại Vinasun do Grab gây ra nhưng không phân định cái nào do Grab gây ra, cái nào do yếu tố khác. Ông có phân định được thiệt hại do Grab gây ra số lượng bao nhiêu, yếu tố khác bao nhiêu không?", chủ tọa hỏi.

Đại diện nguyên đơn trả lời toàn bộ thiệt hại được tính toán dựa trên số tài xế nghỉ việc, số xe nằm bãi... thông qua báo cáo phân tích. Ông Quý khẳng định nếu không có Grab thì không có những thiệt hại đó. Các yếu tố khác không ảnh hưởng đến thiệt hại của Vinasun.

Trả lời câu hỏi của Grab về việc nếu Grab vi phạm thì vi phạm với Nhà nước hay với Vinasun, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng khi vi phạm thì ngoài cơ quan chức năng, bất kỳ tổ chức cá nhân nào có thiệt hại đều có thể khởi kiện đòi bồi thường.

Grab nói chỉ cung ứng phần mềm

Là bị đơn trong vụ kiện, đại diện Grab cho rằng theo nội dung Đề án 24, Grab được ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với hợp tác xã để cung cấp phần mềm ứng dụng, hỗ trợ cài đặt ứng dụng cho tài xế. Grab chỉ là đơn vị đứng giữa.

Về tỷ lệ chiết khấu, Grab nói phụ thuộc theo từng hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với từng hợp tác xã. Tỷ lệ này thay đổi trong khoảng 20-25%, bao gồm 2 phần là quản lý chi phí kinh doanh của Grab và giữ lại phần thuế thu nhập của tài xế. 75-80% còn lại sẽ chuyển cho tài xế hoặc hợp tác xã tùy theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab. Ảnh: Văn Nguyện.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab. Ảnh: Văn Nguyện.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc phần mềm kết nối thì ai là người điều xe, Grab cho rằng phần mềm sẽ tự đưa ra gợi ý đang có khách ở đâu, cước phí ra sao..., chọn hay không tùy thuộc vào quyết định của tài xế chứ Grab hoàn toàn không có việc điều xe.

Về giá cước của cuốc xe, Grab cho biết hợp tác xã là người quyết định giá cước cơ bản dựa trên thỏa thuận với Grab, sau đó đưa vào phầm mềm ứng dụng thì tùy vào thuật toán của phần mềm để định giá cuối cùng.

Đối với việc trả tiền cho cuốc xe, Grab trình bày nếu khách đi thanh toán thẻ thì hợp tác xã ủy quyền cho Grab thu hộ cước phí, Grab giữ lại chi phí chia sẻ ứng dụng rồi chuyển lại cho hợp tác xã hoặc tài xế.

Lý giải việc đưa các chương trình khuyến mãi 0 đồng, Grab cho rằng do ban đầu mới vào thị trường, ứng dụng còn xa lạ với người dân nên phải đưa khuyến mãi để khuyến khích khách hàng sử dụng.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vinasun đặt câu hỏi có quy định nào về thưởng phạt tài xế không, đại diện Grab trả lời nếu vi phạm sẽ ngừng kết nối, không xử phạt bằng tiền.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vinasun-va-grab-tranh-cai-gay-gat-ve-thiet-hai-post1057515.html